Tham nhũng, lãng phí đang ảnh hưởng đến phát triển đất nước

30/10/2012 22:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành buổi họp.

Lạm phát, nhập siêu giảm nhưng nền kinh tế vẫn trì trệ

 

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) cơ bản đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác điều hành của Chính phủ thời gian qua. 9 tháng đầu năm, lạm phát đã được kiềm chế, nhập siêu giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; kim ngạch xuất khẩu tăng…

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế nhất định như: Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế; chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp. Nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn… 

 

Tham nhũng, lãng phí đang ảnh hưởng đến phát triển đất nước

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường

 

Việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia - nhiều ĐB có chung nhận định như vậy.

 

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ, một số chính sách đưa ra còn nửa vời, thiếu thống nhất, thể hiện rõ trong báo cáo các bộ, ngành, các cấp. Hiện một số DN do khó khăn, bế tắc không thoát ra được nên đang có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, đề nghị những tháng cuối năm tập trung làm rõ ba vấn đề: Xác định lỗi trong công tác điều hành như đã kiểm điểm trong Hội nghị Trung ương 4, phải làm rõ ai đúng, ai sai, trách nhiệm đến đâu; làm rõ những giải pháp mang tính tình huống như giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, cải cách hành chính, đồng thời công bố lộ trình cụ thể để giải quyết những tồn tại hiện nay.

 

Còn ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) lại cho rằng, sự trì trệ nền kinh tế do tham nhũng và lãng phí trong đầu tư XDCB, khai thác tài nguyên, khoáng sản… đang là vấn nạn hiện nay. Điển hình như Vinashin làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, trong khi kinh phí xây nhà văn hóa, trường học cho các vùng sâu, vùng xa chỉ có vài tỷ đồng… mà chúng ta vẫn không làm được, nhiều nơi không đủ trường học cho học sinh.

Và, sở dĩ tình trạng này không được khắc phục là vì “phát hiện tham nhũng nhiều nhưng xử lý hình sự ít, đang hành chính hóa các hành vi hình sự, chưa có vụ án lãng phí nào được xử lý trong khi lãng phí rất lớn”, ông Tiến nói.

 

Cứu và kiểm soát doanh nghiệp

 

Theo ĐB Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh), để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế hiện nay phải phá bỏ “vòng kim cô” là vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho vì đây là chỗ đang làm mất vốn, làm chết DN… Cùng với đó là biện pháp tín dụng làm nóng thị trường bất động sản; ổn định thị trường vàng và công khai minh bạch trong công tác xử lý nợ xấu hiện nay.

 

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lo ngại, DN là mạch máu của nền kinh tế nhưng hiện nay đang đối mặt với khó khăn, chúng ta không thể làm thay nhưng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn các DN giải thể, phá sản, kinh doanh thua lỗ… bởi chính lực lượng này tạo việc làm cho hàng triệu lao động, tăng thu ngân sách nhà nước. Bởi vậy, nên tháo gỡ về vốn, tín dụng; giải quyết hàng tồn kho cho DN là vấn đề cấp bách hiện nay.

 

Cũng liên quan đến DN nhưng ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lại nhấn mạnh đến hoạt động quản lý và kinh doanh xăng dầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Giá xăng tăng nhanh nhưng giảm chậm, khi giá xăng dầu thế giới giảm, DN không giảm ngay mà lại điều chỉnh tăng chiết khấu cho các đại lý, làm mất lòng tin của người tiêu dùng về chính sách điều hành của Chính phủ.

Hiện mỗi lít xăng “gánh”  5 loại thuế, phí, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với mặt hàng xa xỉ nhưng lại áp với giá xăng là không phù hợp. Quỹ bình ổn xăng dầu mang đến lợi ích cho người dân ra sao đến nay vẫn đang là dấu hỏi lớn. Đặc biệt, việc tạm nhập tái xuất xăng dầu hiện nay đang tạo kẽ hở cho các DN trục lợi. “Xăng dầu không thuộc mặt hàng tạm nhập, tái xuất nhưng chúng ta cho phép DN làm việc này là tiếp tay cho việc trốn thuế. Năm 2012, các DN “quên” tái xuất hàng triệu tấn xăng dầu, gây thất thoát hàng tỷ đồng”, ĐB Nga nhấn mạnh.

 

Bà Nga cũng cho rằng, “trong khi chúng ta xây dựng nhiều luật điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau, xăng dầu là lĩnh vực quan trọng thì lại “kiên trì” điều hành bằng văn bản dưới luật”. Đề nghị UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu để có căn cứ pháp lý đủ mạnh điều hành thị trường xăng dầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Trả lời về những vấn đề liên quan đến DN mà các ĐB đề cập đến, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ có giải pháp tích cực cho vấn đề tồn kho (chủ yếu là phân bón và thép) trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với mặt hàng thép Trung Quốc nhập khẩu. Còn về vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu của các DN, Bộ trưởng Hoàng cho biết, các nước bạn Lào, Campuchia đề nghị phía Việt Nam cung cấp xăng dầu cho họ, cộng với lượng tàu thuyền, máy bay nước ngoài cũng có nhu cầu sử dụng xăng của chúng ta nên Chính phủ đã cho phép DN tạm nhập tái xuất cho các đơn vị này và không thu thuế. Vừa qua, một số DN lợi dụng chính sách này để “không tái xuất” nhằm trục lợi, bị phát hiện, Chính phủ đang chỉ đạo xử lý nghiêm. 

 

Theo Báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng ước cả năm chỉ đạt khoảng 5%-5,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tốc độ tăng thấp trong 5 tháng đầu năm 2012, tăng âm trong hai tháng 6 và 7, tăng dương trở lại trong tháng 8 (0,63%) và tháng 9 tăng mạnh (2,2%), ước cả năm tăng khoảng 8%. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP.

Mai Thoa

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng, lãng phí đang ảnh hưởng đến phát triển đất nước