Xét xử vụ Hứa Thị Phấn: Tập trung làm rõ tính pháp lý liên quan đến 114 tài sản thế chấp

Văn Vũ| 16/05/2018 15:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (16/5), TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng 27 đồng phạm.

Tại phiên tòa, các luật sư tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo, người liên quan để làm rõ hành vi về hạch toán thu chi khống, gây thiệt hại hơn 5.256 tỷ đồng cho TrustBank.

Trả lời câu hỏi của các Luật sư, các bị cáo đều thừa nhận hành vi ký khống chứng từ nhưng không nộp tiền. Việc ký khống này đều xuất phát từ sự chỉ đạo của Bùi Thị Kim Loan và Hứa Thị Phấn. Các bị cáo không hề hưởng lợi gì từ những hành vi sai phạm này.

Trong phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Ngô Thị Ngân, nguyên Thủ quỹ chính TrustBank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang bị cáo trạng quy kết có hành vi ký 29 chứng từ thu khống với vai trò thủ quỹ 1.346.653.379.895 đồng, gồm 13 phiếu thu và 16 giấy nộp tiền. Lập và ký 23 Bảng kê thu khống 1.272.153.480.000 đồng, trong đó, ký 27 chứng từ thu khống 953.609.450.000 đồng với vai trò Thủ quỹ, gồm 11 phiếu thu và 16 giấy nộp tiền, lập và ký 21 Bảng kê thu khống 879.109.450.000 đồng, để nộp tiền vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm và tất toán gốc và lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bị cáo Phấn, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 953 tỷ đồng.

Đồng thời, Ngân còn cho bị cáo Phấn mượn tài khoản cá nhân tại TrustBank để nhận và chuyển tiền, ký khống 03 giấy nộp tiền 42 tỷ đồng với vai trò khách hàng và sử dụng số tiền này mua cổ phần TrustBank, đứng tên giúp bị can Phấn.

Ngoài ra, bị cáo Ngân còn có hành vi rút hơn 4.554 tỷ đồng từ NHNN theo Séc rút tiền mặt. Nhưng theo chỉ đạo của Ngô Trí Đức - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Ngân không đem tiền về nộp kho quỹ của Chi nhánh theo Lệnh điều chuyển vốn, mà đem tiền đến Phòng làm việc của bị can Phấn (không phải trụ sở Ngân hàng Đại Tín), tại tầng 6 Tòa nhà Lam Giang, để giao cho Công ty Phương Trang, nhưng không ký chứng từ giao nhận số tiền này, mà hợp lý hóa bằng chứng từ thu khống hơn 4.554 tỷ đồng vào Kho quỹ của Chi nhánh.

Xét xử vụ Hứa Thị Phấn: Tập trung làm rõ tính pháp lý liên quan đến 114 tài sản thế chấp

Bị cáo Lâm Kim Dũng ký chứng từ khống chứ không nộp tiền.

Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của luật sư về việc được nhờ mở tài khoản để góp vốn cho bà Phấn do ai quản lý?

Bị cáo Ngô Thị Ngân khai: Bị cáo cho mượn tài khoản để nộp tiền vào đó chứ bị cáo không sử dụng. Bị cáo chỉ ký tên. Muốn xem tài khoản đó thì phải nhờ kế toán chứ ngân quỹ không được xem.

Bị cáo xin HĐXX xem xét lại khoản tiền 42 tỷ đồng vì bị cáo không sử dụng và không biết số tiền đó ở đâu.

Luật sư: Số tiền bị cáo nhận hơn 4.000 tỷ đồng từ NHNN thì bị cáo làm gì?

Bị cáo Ngân: Sau khi nhận tiền thì bị cáo có gọi cho NH là mang tiền về và gọi cho Ngô Trí Đức thì anh Đức yêu cầu mang về tòa nhà Lam Giang để giao cho khách hàng. Bị cáo mang đến đó và giao cho khách hàng là Phương Trang.

Luật sư: Khi giao tiền có giấy tờ chứng nhận không?

Bị cáo Ngân: Có ký bảng tên. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo vì bị cáo chỉ là nhân viên, bị cáo không biết gì.

“Gia đình bị cáo khó khăn lắm, mẹ bị cáo đang phải ở nhà thuê. Chồng và con bị cáo đang thất nghiệp vì lý lịch của bị cáo, mong HĐXX xem xét”, bị cáo Ngân khóc nức nở.

Ngoài ra, các luật sư hỏi người có quyền, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (VNCB) hồ sơ pháp lý đối với toàn bộ các khoản vay được thể hiện trong vụ án TrustBank cho vay bao gồm của công ty Phương Trang và 18 công ty thuộc nhóm Phương Trang, 22 cá nhân và 114 tài sản liên quan đến thế chấp của TrustBank.

Liên quan tới 114 tài sản liên quan trong vụ án, trước đó, Chủ tọa cho rằng, tại phiên tòa “đại án” Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và đồng phạm, xác định ông Danh chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính, mới thanh toán cho phía Hứa Thị Phấn 3.581 tỷ đồng, còn trên 1 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, Hứa Thị Phấn chưa thực hiện chuyển nhượng.

Do đó, bị án Phạm Công Danh được HĐXX gọi lên thẩm định tính chính xác khoản tiền này. Tại phiên tòa, Phạm Công Danh khai: “Thưa tòa tôi đã thanh toán đủ số tiền 3.581 tỷ đồng, số tiền trên 1 ngàn tỷ đồng còn lại là do có ý xin miễn thuế chứ thực sự đã thanh toán hết”.

Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng cho rằng, nhóm bà Phấn đã không thực hiện theo thỏa thuận với ông, không chuyển giao tài sản. Ông Danh cũng khẳng định có bằng chứng về việc hợp đồng và các phụ lục chuyển nhượng.

Phạm Công Danh nói rằng bà Phấn đã không chuyển giao các tài sản với lý do ông Danh chưa thanh toán hết số tiền còn lại là không có căn cứ, sự thật là bà Phấn vì nợ TrustBank không trả được nên không thể thực hiện được cam kết chuyển giao tài sản cho ông Danh.

Để chứng minh lời khai của mình, ông Danh cũng đề nghị tòa cho bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) lên “làm chứng”.

Ngay lập tức HĐXX cho mời bị án Phan Thành Mai tham gia xét hỏi.

Trả lời HĐXX, bị án Phan Thành Mai khẳng định nội dung ông Danh trình bày là đúng sự thật. Theo Phan Thanh Mai, lý do ông Danh không thanh toán 1 ngàn tỷ đồng còn lại là do trong các thỏa thuận, bà Phấn phải có trách nhiệm bàn giao 114 tài sản (trong vụ án này) thì ông Danh mới trả tiếp số tiền còn lại.

Phạm Công Danh cho rằng: “Tôi thật sự sốc khi tại phiên tòa này tôi được biết khối tài sản của tôi – 114 bất động sản đã thanh toán xong, nay bất ngờ khi nghe Công ty Phương Trang dính vào khối tài sản này. 114 bất động sản không có phần nào của bà Phấn, nhưng tại sao lại mang thế chấp, sang nhượng, mong HĐXX xem xét”.

HĐXX ghi nhận: “Sẽ xem xét đề nghị này của ông”.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của các luật sư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ Hứa Thị Phấn: Tập trung làm rõ tính pháp lý liên quan đến 114 tài sản thế chấp