Sức Khỏe

Hội nghị Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung

Ngọc Minh 12/05/2024 - 07:46

Ngày 11/5, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức Hội nghị Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung để phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc.

Hội nghị nhằm giải quyết bài toán về nguồn tạng cũng như đáp ứng nhu cầu ghép tạng của người bệnh; qua đó nâng cao nhận thức về hiến tạng để tăng số lượng người đăng ký hiến tạng, nhằm hướng tới giá trị nhân văn tốt đẹp nhất.

z5428226282221_cfbf398984b7d71967ad82fb6ef5be9e.jpg
Hội nghị Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước mới có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua. Vì vậy, triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ báo cáo lộ trình phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung cho biết, hiện nay Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%. Nhu cầu ghép tạng rất lớn, tuy nhiên, còn rất ít người đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết não.

Bộ Y tế đang vào cuộc rất quyết liệt, cụ thể khi ra các công văn yêu cầu các bệnh viện thành lập hội đồng chẩn đoán chết não. Các bệnh viện phải có đầu mối để báo cáo nguồn hiến tạng lên Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Khi có số lượng người hiến tạng tiềm năng, Trung tâm phối hợp các Sở Y tế, bệnh viện có biện pháp phù hợp để tư vấn, thuyết phục, tổ chức, hướng dẫn... nhằm đạt kết quả cao nhất là nhiều gia đình ủng hộ, đồng ý để người thân hiến tặng mô tạng khi chết não.

z5428226325424_e106fef8cb0ae51e3f1b4e83d0208ee6.jpg
PGS.TS. Đồng Văn Hệ báo cáo lộ trình phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tạng mô, tạng tại khu vực miền Trung.

GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện đã và đang trở thành một trong những đơn vị có tỷ lệ ghép tạng thành công cao của cả nước. Hiện nay, Bệnh viện đã thực hiện ghép tạng trên 1.800 ca, trong đó gần 1.600 ca ghép thận, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép tim phổi, 2 ca ghép gan, 40 ca ghép giác mạc… với tỉ lệ thành công là 100%. Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung của ngành ghép tạng Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép. Ở nhiều nước trên thế giới, khoảng 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim, nhưng ở nước ta nguồn tạng ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống.

Tại hội thảo, đại biểu tham dự là đại diện các bệnh viện trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung về mặt quản lý để triển khai có hiệu quả việc chẩn đoán chết não và tư vấn cho người dân có mong muốn hiến tặng mô tạng khi chết não.

z5428226329274_42cfbbc3b2d1b32ac8486ca9f3bea693.jpg
Chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Tại hội nghị, hai đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến ghép tạng từ người chết não cho các nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Trung ương Huế.

Ở các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống. Để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của toàn xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này.

Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, cũng như các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết để tăng tỉ lệ hiến tạng trên người cho chết não, góp phần cứu sống nhiều người bệnh suy tạng giai đoạn cuối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung