Chánh án TAND tỉnh Điện Biên: “Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng công tác xét xử”

Nguyễn Vân| 15/03/2017 19:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với những đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND...", đó là những chia sẻ của Chánh án TAND tỉnh Điện Biên với PV Báo Công lý.

PV: Là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc, ông có thể chia sẻ đôi chút về hệ thống TAND tỉnh Điện Biên hiện nay.

Thẩm phán Phạm Văn Nam: TAND hai cấp của tỉnh gồm 3 Tòa chuyên trách, 3 phòng nghiệp vụ, 10 đơn vị Tòa án cấp huyện, tổng biên chế hiện nay là 165 cán bộ, công chức và người lao động. Toàn tỉnh có 44 Thẩm phán, 7 thẩm tra viên, 71 thư ký, còn lại là công chức khác và người lao động.

Điện Biên là một tỉnh nghèo, còn rất nhiều khó khăn, tình hình tội phạm gia tăng nhanh trong những năm gần đây, hơn nữa đội ngũ cán bộ, Thẩm phán còn thiếu đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xét xử của Tòa án. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của TANDTC, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân UBND tỉnh; cùng với đó là sự đoàn kết thống nhất, phấn đấu khắc phục khó khăn, cải tiến phương pháp làm việc của cán bộ, công chức TAND hai cấp của tỉnh nên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Chánh án TAND tỉnh Điện Biên: “Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng công tác xét xử”

Thẩm phán Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên

PV: Khó khăn như vậy nhưng bí quyết nào giúp TAND hai cấp của tỉnh hoàn thành tốt các mặt công tác?

Thẩm phán Phạm Văn Nam: Nói bí quyết thì cũng không đúng nhưng phải nói, công tác thi đua - khen thưởng đã ảnh hưởng rất tích cực đến hoạt động xét xử của Tòa án hai cấp. Ngay từ đầu năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã triển khai đến các tập thể, cá nhân đăng ký các danh hiệu thi đua, ký kết giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khẩu hiệu thi đua rất rõ ràng là “Cán bộ, công chức TAND hai cấp tỉnh Điện Biên phát huy truyền thống, nâng cao bản lĩnh, rèn đức, luyện tài, đổi mới, sáng tạo, giữ gìn kỷ cương, tăng cường dân chủ, ra sức thi đua, làm theo lời Bác, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Bên cạnh đó, phong trào thi đua yêu nước đã có sự đổi mới về hình thức và nội dung, được cán bộ, công chức TAND hai cấp nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó đã góp phần giúp cho các mặt công tác đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công tác chuyên môn.

PV: Ông có thể đưa ra một vài số liệu về kết quả chuyên môn năm 2016?

Thẩm phán Phạm Văn Nam: Năm 2016, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã thụ lý 2.385 hồ sơ các loại, đã giải quyết, xét xử 2.349 hồ sơ, 36 hồ sơ còn lại vẫn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ xét xử bình quân chung là 98,4%.

Riêng án hình sự đạt tỷ lệ: 99,8% (vượt 4,8% so với kế hoạch). Năm 2016, TAND hai cấp của tỉnh cũng đã tổ chức 139 phiên toà lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến quần chúng nhân dân, góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Các loại án khác trong  năm 2016 cũng đạt tỷ lệ giải quyết rất cao.

Nhờ những nỗ lực đó mà năm 2016, TAND hai cấp của tỉnh có 16 đơn vị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 13 đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Hai đơn vị được tặng Cờ thi đua TAND. Có 142 cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong đó có: 21 cá nhân được công nhận “Sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc”; 18 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; 3 cá nhân đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua TAND”.

PV: Năm 2017, mục tiêu phấn đấu mà TAND hai cấp của tỉnh đặt ra là gì, thưa ông?

Thẩm phán Phạm Văn Nam: Năm 2017 là năm đầu triển khai thực hiện các Bộ luật, luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Đây cũng là năm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, tiếp tục thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND 2014. Do đó, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ, công chức và người lao động thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục sâu sắc về nhiệm vụ chính trị của Tòa án hai cấp trong toàn tỉnh. TAND tỉnh xác định phương hướng,  nhiệm vụ trong tâm công tác thi đua, khen thưởng năm 2017:

Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị số 03/2014/CT-CA ngày 11/6/2014 của Chánh án TANDTC về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống TAND” nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với những đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND tỉnh Điện Biên: “Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng công tác xét xử”