Theo chuyên gia, các yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới đến từ sự thay đổi về khung pháp lý.
Xuất phát từ nhu cầu thị trường, giai đoạn COVID-19 giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến, năm 2021-2022 tăng khoảng 22%. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ không duy trì mà trở về mức 15% - 18% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong bối cảnh hiện nay, tác động của chuyển đổi số đến thương mại điện tử là rất lớn.
Hiện, các nền tảng chuyển đổi số cung cấp các ứng dụng, giải pháp cho ngành thương mại điện tử là rất tốt như: các doanh nghiệp cung cấp phần mềm bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, ứng dụng về thanh toán... Trong logistics cũng rất phát triển, hàng trăm ngàn đơn hàng ngày.
Các doanh nghiệp của Việt Nam thích ứng nhanh, có sự dịch chuyển tích cực, càng ngày càng quan tâm đến bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Thậm chí, các nhóm ngành hàng trước đây khó đẩy lên sàn thì nay đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới đến từ sự thay đổi về khung pháp lý như: các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các cải cách hành chính công như hải quan, kê khai thuế…