Cụ thể ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm 7 tập thể gồm UBND các xã: Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Me, Ia Vê, Ia Pia và Ia Puch.
Ngoài ra, các ông Siu Jơu (nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Vê); ông Nguyễn Bá (Chủ tịch UBND xã Ia Pia); ông Bùi Văn Nghị (nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Me); ông Phạm Quang Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Me); ông Nguyễn Thanh Hải (Chủ tịch UBND xã Thăng Hưng); ông Rơ Lan Gien (Chủ tịch UBND xã Bình Giáo) bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Cùng với đó,
ông Đinh Văn Dũng còn yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ Kiểm lâm huyện phụ trách địa bàn; các công chức địa chính-xây dựng, địa chính-nông nghiệp, Trưởng công an xã, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự các xã Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Me, Ia Vê, Ia Pia và Ia Puch qua các thời kỳ, trong việc chưa tham mưu cho UBND các xã nêu trên việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.
Một vụ phá rừng trên địa bàn xã Ia Puch.
Trước đó, UBND huyện Chư Prông có Kết luận thanh tra số 93 về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại UBND các xã Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Me, Ia Vê, Ia Pia và Ia Puch.
Theo kết quả thanh tra, từ năm 2014, diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý tại UBND xã Ia Vê là 1.501,37 ha, đến năm 2017, sau kiểm kê thực tế, diện tích này chỉ còn 1.166,32 ha tức là bị giảm 344,05 ha. Tương tự, diện tích rừng năm 2014 UBND xã Ia Me được giao là 1.646,93 ha và năm 2017 bị giảm 1.018,62 ha; tại UBND xã Ia Pia được giao là 843,17 ha, đến năm 2017 giảm mất 466,28 ha; UBND xã Bình Giáo được giao 1.048,8 ha, đến năm 2017 mất 647,27 ha; UBND xã Bàu Cạn được giao 79,19 ha, đến năm 2017 bị giảm 8,48 ha; UBND xã Thăng Hưng được giao quản lý 370,3 ha, đến năm 2017 bị mất 159,74 ha; UBND xã Ia Puch được giao 60,47 ha, đến năm 2017 để mất 44,89 ha.
Như vậy, năm 2014, tổng diện tích rừng UBND tỉnh Gia Lai giao cho UBND 7 xã nêu trên là 5.550,23 ha, đến năm 2017, sau khi kiểm kê chỉ còn 2.860,9 ha, tức là diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị mất là 2.689,33 ha, xấp xỉ 50% diện tích rừng được giao cho các UBND xã quản lý.
Cùng với đó, tại Kết luận số 2042 về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp của UBND xã Ia Mơ, Ia Lâu và Ia Piơr thì 3 xã nêu trên đã để người dân chặt phá, lấn chiếm 2.196,84 ha đất lâm nghiệp; trong đó có 1.324,66 ha đất lâm nghiệp có rừng và 872,18 ha đất lâm nghiệp không có rừng. Các địa phương này phải lên phương án, trồng lại số diện tích rừng bị chặt phá và lấn chiếm.