Xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng sản xuất một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, nhóm linh kiện điện thoại tăng tới 40%; sản xuất điện thoại di động tăng 14,1%. Đặc biệt, trong 7 tháng qua, Việt Nam đã sản xuất trên 128 triệu chiếc điện thoại di động.
7 tháng năm 2021, nhóm hàng điện thoại và các loại và linh kiện đã mang về cho Việt Nam 29,35 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hiện thị trường xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam có mức độ phân bố xuất khẩu là tương đối tốt tại 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ. Trong 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu năm 2020, có tới 7 thị trường nằm ở khu vực châu Á gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường trong khối ASEAN, Ấn Độ, chiếm 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử trong cả nước.
Đáng chú ý xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
“Năm 2021 ngành điện tử tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa. Do đó xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.
Trước đó, trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đáng chú ý là sự xuất hiện của Công ty Samsung Electronics đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của Tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới. Đây đều là các dự án có ý nghĩa lớn, đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.