Tháng 11 hàng năm là thời điểm phát hành lịch Tết của các nhà xuất bản (NXB). Những năm gần đây lĩnh vực xuất bản lịch có sự “bùng nổ” rõ rệt. Những đóng góp tích cực của các NXB là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong sự “bùng nổ” ấy rất nhiều vấn đề bất cập đã phát sinh, đặc biệt là về mặt số lượng.
Có ý kiến cho rằng, về lâu dài, để thị trường lịch block được hoàn toàn minh bạch, ngành xuất bản nên để cho thị trường tự điều chỉnh
Bất cập trong việc thị trường hóa
Từ khi xoá bỏ độc quyền về in và phát hành lịch block vào mùa lịch năm 2007, thị trường lịch tự do đã có những chuyển biến rất tích cực. Vào thời điểm phát hành lịch Tết, tại các tuyến phố như Đinh Lễ, Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bông, Nguyễn Xí, Nguyễn Khuyến…, những cuốn lịch với những mẫu mã, màu sắc và kiểu dáng bắt mắt được bày bán la liệt. Không thể phủ nhận rằng, lịch Tết những năm gần đây phong phú, đa dạng hơn các năm trước. Ngoài ra, việc cạnh tranh giữa các nhà làm lịch không chỉ khiến thị trường lịch block đa dạng, sinh động hơn mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm. Bằng chứng là từ 3 năm trở lại đây, giá lịch block đã giảm từ 20-30% so với trước mặc dù giá đầu vào như giấy, công in, chi phí vận chuyển… đều tăng cao. Đó là kết quả tất yếu của một thị trường xuất bản cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cho mình hơn thì cũng có những bất cập khiến Hội Xuất bản (HXB) phải đau đầu. Ước tính lúc cao điểm, mỗi năm có không dưới 100 triệu cuốn lịch bloc được tung ra thị trường. Do “cung” vượt xa “cầu” nên đã xuất hiện sự cạnh tranh chụp giật, ăn xổi ở thì, rất thiếu lành mạnh. Thực tế, sau mỗi mùa lịch, có nhiều NXB lãi tiền tỷ, nhưng cũng có không ít NXB lỗ bạc tỷ. Lượng lịch block tồn kho hàng năm đã trở thành giấy vụn, cả nước hiện nay có khoảng 18 triệu gia đình, trong đó có khoảng 16 triệu gia đình có đủ khả năng và nhu cầu sử dụng lịch Tết. Biết là vậy, nhưng hầu hết các NXB mỗi năm đều đăng ký sản xuất ở mức 1 triệu cuốn lịch block/NXB. Nếu lấy con số 64 NXB hiện nay nhân với con số đăng ký sản xuất nói trên thì sẽ thấy sự lãng phí lớn cho xã hội. Do vậy, để tránh dư thừa, lãng phí, các NXB trong cả nước chỉ nên sản xuất ở mức từ 14 triệu đến 16 triệu cuốn lịch block/năm là vừa đủ.
Đến loay hoay tìm hướng đi
Sau 4 năm thực hiện theo phương thức xã hội hóa, năm 2011, HXB đã tiến hành xuất bản lịch theo nhóm các nhà xuất bản. Theo đó, 61 NXB được phân thành 4 nhóm để in lịch theo chủ đề, có nội dung cụ thể, mang tính xã hội hóa, và mỗi “nhà” chỉ được phép xuất bản 270.000 cuốn lịch block. NXB nào không tham gia nhóm cũng phải tuân theo con số trên, đồng thời phải tuân thủ cơ cấu xuất bản lịch bloc bao gồm đủ 4 chủng loại: tiểu, trung, đại và siêu cực đại. Về tổng thể, cách làm như vậy sẽ quản lý và xuất bản trúng với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Theo đánh giá của HXB, mùa lịch năm 2011 đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hoạt động xuất bản lịch block năm 2011 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, khẳng định phương thức liên kết xuất bản theo nhóm là đúng đắn, phù hợp, vừa xóa bỏ được độc quyền, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh; vừa góp phần ổn định thị trường lịch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các NXB. Các NXB trong nhóm liên kết đều có lãi, phục vụ tốt nhu cầu của xã hội, tránh được hiện tượng quá dư thừa lịch ở thành phố, thiếu lịch ở vùng sâu, vùng xa; tăng nguồn thu thuế VAT ở cả 3 khâu xuất bản, in, phát hành và thuế thu nhập doanh nghiệp… Cơ cấu lịch cũng hợp lí hơn khi số lượng lịch tờ ít giá trị kinh tế và nhu cầu thị trường thấp đã được sản xuất ít đi để nhường sân cho các sản phẩm khác, chủ yếu là lịch block.
Theo dự định ban đầu của HXB, thị trường lịch block năm 2012 sẽ theo nguyên tắc bình đẳng về số lượng sản xuất giữa các NXB trên toàn quốc như đã thực hiện vào mùa lịch năm 2011. Ước tính nhu cầu thị trường hiện nay cần khoảng 17 triệu block lịch các loại, do đó chia đều chỉ tiêu cho 61 NXB thì mỗi “nhà” sẽ được khoảng 280.000 bloc.
Tuy nhiên, ngay từ mùa lịch 2011 đã có một số NXB phản đối mạnh mẽ cách làm này vì cho rằng gây ra tình trạng độc quyền về cả sản xuất, phát hành và không phù hợp với quy luật cung cầu thị trường. Đã có 3 NXB đã tự tách khỏi nhóm để phản đối phương thức phân bổ “quota” mà HXB đưa ra với lý do việc phân bổ số lượng và ấn định rõ sản xuất loại lịch nào, bao nhiêu cuốn… là xâm phạm quyền tự chủ trong xuất bản, sản xuất, kinh doanh. Họ lý giải, những năm gần đây, các DN lớn như ngân hàng, bảo hiểm, điện thoại, truyền thông… có nhu cầu đặt in lịch block lớn theo thiết kế mẫu mã riêng với số lượng khá lớn để làm quà tặng vào dịp Tết dành cho các khách hàng và đối tác của mình. Các DN sản xuất lịch đã đáp ứng rất tốt nhu cầu này. Ví như Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn năm nay đã xin đăng ký sản xuất trên 800.000 block lịch, trong đó có đến hơn 50% số bloc DN đặt hàng làm quà tặng. Vì vậy, nếu quay lại cơ chế phân bổ hạn ngạch, thị trường lịch sẽ trở lại như trước. Người tiêu dùng trong xã hội hiện đại sẽ không có quyền lựa chọn sản phẩm theo yêu cầu. Tất cả các thứ từ mẫu mã cho đến giá cả sẽ do các nhóm xuất bản định đoạt.
Nhiều NXB cho rằng, cách phân bổ có hạn mùa lịch 2011 vừa qua làm các NXB sản xuất lịch hoàn toàn bị động. Mùa lịch năm nay, con số NXB phản đối và xin tách khỏi nhóm để sản xuất độc lập đã vượt quá con số 10, do đó HXB đã quyết định mùa lịch 2012 sẽ quay lại cách thức thực hiện xã hội hoá việc xuất bản như những năm trước. Tuy nhiên, căn cứ số lượng tiêu thụ lịch block năm 2011 thì số lượng bình quân mỗi NXB chỉ được phép xuất bản 280.000 block và khi đăng ký xuất bản phải nêu rõ cơ cấu, chủng loại; cơ sở in; tự xuất bản hoặc liên kết (nghĩa là chỉ giới hạn số lượng phát hành lịch của từng NXB, còn “nhà” nào không có khả năng làm hết số lượng đó có thể liên kết xuất bản với những đối tác khác).
Chưa biết việc quay lại tự do hóa xuất bản của mùa lịch năm 2012 sẽ đem lại kết quả thế nào và mặc dù việc thực hiện liên kết xuất bản như năm 2011 được đánh giá là đạt được những mục đích nhất định, nhưng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, để thị trường lịch block được hoàn toàn minh bạch, ngành xuất bản nên để cho thị trường tự điều chỉnh thay vì phân bổ chỉ tiêu cho từng nhà xuất bản.
Hà Mai