Xu thế “Việt hóa” lao động trong cộng đồng doanh nghiệp FDI

Đỗ Quyên| 05/05/2021 10:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI chú trọng bồi dưỡng và phát triển nguồn lao động tại địa bàn “đóng quân” sản xuất. Điều này vừa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân địa phương, vừa nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.

Với tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, bối cảnh chính trị ổn định và nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động trong nước.

1(2).jpg
Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc chăm lo, phát triển nguồn nhân lực Việt.

Cơ hội việc làm gia tăng

Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, lượng việc làm cho người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn đã gia tăng đáng kể trước làn sóng doanh nghiệp FDI tràn vào Việt Nam. Trong giai đoạn 1995 – 2019, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330.000 lên khoảng 6,1 triệu người. Tốc độ tăng lao động trong giai đoạn 2005-2017 bình quân tăng 7,72%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng lao động trong toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp như làm nông, làm thuê sang các ngành sử dụng lao động chất lượng cao cũng được đẩy mạnh nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, chất lượng, tay nghề kỹ thuật của lực lượng lao động Việt ngày càng cải thiện. Ở nhiều ngành nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế, đủ khả năng đảm nhận các vị trí phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Để có được thành quả này, sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI là không nhỏ. Nhờ những chính sách nâng cao trình độ, tay nghề cho nhân viên Việt Nam của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động địa phương đã có cơ hội tiếp cận với các khóa đào tạo bài bản, từ đó nâng cao chất lượng nhân lực, đồng thời cải thiện đời sống của chính người lao động nhờ cải thiện thu nhập chung.

Phát triển đội ngũ nhân lực người Việt

Như không ít doanh nghiệp FDI khác khi mới đầu tư vào thị trường Việt Nam, Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam cũng tập trung khai thác trình độ chuyên môn, tay nghề và chất xám nhân lực từ tập đoàn mẹ. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động trên địa bàn, Ban lãnh đạo dần nhận thấy tiềm tăng từ nguồn lao động trẻ dồi dào, chịu khó, cầu tiến học hỏi ngay tại Hậu Giang và các tỉnh, thành lân cận.

2(1).jpg
Chính sách bản địa hóa nguồn nhân lực của Lee & Man Việt Nam góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân địa phương

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, các chuyên gia kỹ thuật, quản lý gặp khó khi quay lại Việt Nam, nguồn nhân sự tại chỗ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Với tinh thần trách nhiệm cao, họ dần đảm nhiệm công việc vốn do đội ngũ nước ngoài thực hiện. Từ đó, công ty xác định bản địa hóa nguồn nhân lực sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động khai thác, phát triển nhân lực lâu dài. Thực tế, việc tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông thôn tại vùng ĐBSCL. Hiện nay, không ít lao động trẻ tại đây đi nơi khác lập nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm mới, hoặc lao động nhàn rỗi, công việc lẫn thu nhập bấp bênh, chưa ổn định.

Trên tinh thần đó, công ty đã có nhiều chính sách, hoạt động đào tạo nội bộ giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ tay nghề, từ đó cải thiện hiệu quả công việc. Đơn cử như các chương trình đào tạo ngành sản xuất giấy và kỹ thuật điện cho cán bộ nhân viên phối hợp giữa công ty và các trường Đại học, Cao đẳng phía Nam. Công ty còn liên kết với các trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, Đại học Cần Thơ, Sở Lao động TBXH Hậu Giang và TP. Cần Thơ để tuyển dụng lao động địa phương. Không chỉ tập trung cải thiện chất lượng tay nghề, Lee & Man Việt Nam còn chú trọng chăm lo đời sống cho nhân viên thông qua chính sách đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm...

Anh Lâm Vũ Cường, kỹ sư bảo trì, chia sẻ: “Ngoài lương, thưởng riêng, anh chị em nhân viên còn được hỗ trợ nhà ở trong khu nhà tập thể của công ty. Gia đình tôi có chỗ ở khang trang, tiện nghi lại đỡ một phần chi phí mướn nhà ở lớn, gánh nặng kinh tế cũng giảm bớt”. Tổng cộng, doanh nghiệp đầu tư đến 1,4 triệu USD cho nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ. Nhờ đó, cơ cấu nhân sự người Việt Nam trong công ty qua các năm có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Hiện, 95% trong hơn 1.000 nhân viên của công ty là người Việt, nhiều trong số đó được đào tạo bài bản, đảm nhận những vị trí cao trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, chất lượng tay nghề lao động địa phương được cải thiện đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho bà con trong khu vực. Nhiều hộ gia đình không còn phụ thuộc vào nghề trồng trọt, thuê mướn bấp bênh mà đã có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định, nhờ đó chất lượng cuộc sống tại địa phương cũng được cải thiện đáng kể. Con em một số hộ gia đình được công ty hỗ trợ học phí, sau khi ra trường được nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm khả quan 6-7 triệu đồng. Chiến lược bản địa hóa nguồn nhân lực của các doanh nghiệp FDI như Lee & Man Việt Nam đang mang đến những lợi ích hiện hữu cho người dân địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ kỹ năng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế “Việt hóa” lao động trong cộng đồng doanh nghiệp FDI