Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi nói chung đã giảm từ 46 tỷ USD năm 2019 xuống còn 38 tỷ USD năm 2020 (-18%).
Theo như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếu như năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, khu vực châu Phi hạ Sahara chỉ tăng trưởng -2,6% thì đến năm 2021, việc phục hồi kinh tế cũng chỉ ở mức vừa phải ước đạt 3,2%.
Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi nói chung đã giảm từ 46 tỷ USD năm 2019 xuống còn 38 tỷ USD năm 2020 (-18%).
FDI vào khu vực châu Phi hạ Sahara giảm 11%, còn 28 tỷ USD năm 2020, trong đó 2,6 tỷ USD đổ vào Nigeria và 1,5 tỷ USD vào Senegal (chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng).
Năm 2021, châu Phi hạ Sahara cũng phải đối mặt với một số rủi ro bất lợi. Tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn có thể thấp hơn dự kiến, tác động đến hoạt động giao thương với khu vực này.
Việc phân phối vắc-xin COVID-19 trên quy mô rộng có thể gặp nhiều trở ngại, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông chưa đầy đủ và hệ thống y tế thiếu năng lực.
Không những thế, những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai, chẳng hạn như đợt lũ lụt gần đây gây thiệt hại trên diện rộng và gia tăng tình trạng mất an ninh, đặc biệt là ở khu vực Sahel, khiến cho quá trình phục hồi kinh tế có thể bị chậm lại.
Vẫn theo IMF, khu vực Bắc Phi-Trung Đông (MENA) sẽ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng của các nước trong khu vực sẽ không đồng đều do tình trạng mất cân đối trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19.
Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã chứng kiến sự suy giảm ở mức nghiêm trọng nhất trong năm ngoái do giá dầu thấp và hàng loạt biện pháp phong tỏa nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Năm 2020, tăng trưởng kinh tế khu vực này đã giảm 3,8% và IMF dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,1% trong năm nay và 4,2% trong năm tới nhờ giá dầu phục hồi và việc triển khai tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19. Mặc dù thế giới vẫn đang trong giai đoạn đối mặt nhiều nguy cơ, song cuộc đua giữa dịch bệnh và công tác phân phối vắc-xin sẽ quyết định tốc độ phục hồi kinh tế trong năm nay.
Trong khi một số nước ở Trung Đông lọt vào tốp các nước dẫn đầu thế giới về tiêm chủng phòng Covid-19 thì còn nhiều nước trong khu vực chưa thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng do thiếu nguồn cung, xung đột và tài chính yếu.
Các nước giàu có ở vùng Vịnh nằm trong số những quốc gia đầu tiên bắt đầu triển khai tiêm phòng cho người dân nên được dự báo có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh hơn các quốc gia còn lại trong khu vực.
Theo IMF, sau khi tăng trưởng kinh tế giảm 4,8% trong năm 2020, các nước vùng Vịnh nhiều dầu mỏ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay.
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế, song những thách thức mà khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang đối mặt đòi hỏi chính phủ các nước phải cải cách và đa dạng hóa các thành phần kinh tế, tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin cho các nước nghèo hơn.