Xử quan như xử dân

Bảo Dân| 16/06/2015 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại buổi tọa đàm về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi do TANDTC tổ chức tại TP HCM hồi tháng 4/2015, Viện Khoa học xét xử TANDTC cho biết, tỷ lệ án hành chính sơ thẩm bị hủy án, sửa án hàng năm là 4-5% cao gấp nhiều lần so với các loại án khác.

Hầu hết các quyết định, hành vi bị khiếu kiện của chính quyền cấp huyện về lĩnh vực quản lý đất đai, thường rất khó và phức tạp. Chẳng thế mà tại Quốc hội, khi thảo luận về Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) có Đại biểu đã lưu ý việc quan xử quan là khó công minh và đề nghị không để Tòa án cấp huyện xử các vụ khiếu kiện Chủ tịch huyện.

Dân đi kiện Chủ tịch huyện tức là kiện Phó Bí thư Huyện ủy trong khi ông Chánh án huyện chỉ là Huyện ủy viên, khi xét xử dễ ngại. Cấp dưới xử cấp trên chí ít cũng lấn cấn về tình, cái tình đồng chí, có thể lại là đồng hương, đồng tộc… đưa lý ra mà soi không phải vị Thẩm phán nào cũng dám thẳng băng mực tàu.

Lại dễ có chuyện Chủ tịch huyện cậy thế bề trên, không (thèm) ra tòa, sai chánh văn phòng hoặc trưởng phòng chức năng hầu tòa rồi về báo cáo Thường vụ. Kinh nghiệm cho thấy các vụ tòa hành chính xử dân thắng quan thì việc thi hành án cực kỳ phức tạp, dù chỉ là rút một quyết định trái thẩm quyền chứ chưa nói đến việc đền bù này nọ. Thực tế còn xảy ra là các vụ dân kiện quan thường phải ra đến phúc thẩm, giám đốc thẩm ở cấp trên mới ngã ngũ.

Không thể  kéo dài tình trạng ấy, Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng đề nghị sửa luật. Thảo luận cho ý kiến vào Dự luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội phân tích thực trạng “dân kiện quan”, “quan xử quan” thường dẫn đến thực tế “dân thua kiện” hoặc “quan” không  hề hấn gì dù có sai phạm trong các quyết định hành chính.

Các ĐBQH đều nhấn mạnh, Luật Tố tụng hành chính là dự luật rất quan trọng liên quan đến xử lý vấn đề về hành chính, nhất là đất đai, giải phóng mặt bằng. Thực thi luật tố tụng hành chính, các vụ khởi kiện đất đai vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhưng cũng là loại án bị hủy nhiều nhất. Phải sửa  luật để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm trước Tòa, quan và dân đều bình đẳng.

Như vậy, phải xác định thẩm quyền xét xử theo hướng của dự thảo, giao việc xét xử hành chính của cấp huyện cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh.  Việc thi hành án, cũng vậy. Người dân kiện ra tòa hành chính thắng kiện được đã gian nan, nhưng thi hành án còn gian nan hơn vì cơ quan thi hành án cũng lại là cấp dưới của Chủ tịch huyện nên nếu không thi hành kỷ luật do những sai trái này thì cũng bó tay luôn.

 Đại biểu Nguyễn Sáng Vang (Tuyên Quang) còn nói rằng, hiện dân không tin vào xét xử của Tòa án huyện vì cho rằng “quan xử quan thế nào dân cũng thua”.

Ông Huỳnh Văn Hạnh (TP HCM) đề nghị cần thêm Pháp lệnh Thi hành án hành chính như quy định về thi hành án dân sự hoặc hình sự hiện nay.

Chính vì thế mà, các đại biểu Quốc hội cũng như đại diện Tòa án các cấp trong cả nước vừa qua đã thống nhất ý kiến: Những vụ khiếu kiện quyết định hành chính UBND cấp huyện và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm.

Đưa việc xét xử lên một cấp cao hơn có thể sẽ vô tư hơn, nghiêm minh hơn, được lòng dân hơn và giảm một gánh quá nặng cho Tòa cấp huyện. Lúc ấy Tòa xử quan cũng minh bạch như xử dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử quan như xử dân