Xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc: Tang vật vụ án đã bị bán, căn cứ vào đâu để làm rõ?

Trang Trần| 05/07/2019 14:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 5/7, vụ án “Buôn lậu gỗ trắc” TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm bước qua ngày thứ 3.

Trong 3 ngày, HĐXX đã xét hỏi nhằm làm rõ các căn cứ khởi tố vụ án; hồ sơ xuất, nhập khẩu của Công ty TNHH Ngọc Hưng; những căn cứ nào xác định trong lô gỗ trắc cho gỗ giáng hương... Tuy nhiên, việc lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán khi vụ án chưa được đưa ra xét xử làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải quyết vụ án.

Mặc dù đã được Tòa triệu tập nhưng đến ngày xét xử thứ 3 người giám định lô gỗ và điều tra viên đều vắng mặt. Ông Trương Huy Liệu (SN 1958, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) cho rằng cần thiết phải có sự có mặt của giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam để làm rõ căn cứ đưa ra số lượng và chủng loại gỗ giáng hương xuất hiện trong lô gỗ trắc. Vì hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng trước sau đều chứng minh chỉ nhập và xuất khẩu gỗ trắc. Trong khi đó, bản án sơ thẩm căn cứ theo giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam xử vợ chồng bị cáo tội “buôn lậu” 21,506 m3 giáng hương. “Bây giờ muốn đo lại số lượng gỗ, xác định loại gỗ cho chính xác nhưng tang vật vụ án đã bị bán thì căn cứ vào đâu để làm rõ?”, bị cáo Liệu trình bày tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát thẩm vấn bị cáo Liệu và vợ là Trần Thị Dung (SN 1961, Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) về lô gỗ, lý do bị cáo Liệu không ký vào biên bản khám xét của hải quan lập ngày 14/3/2012?

Về nội dung này, ông Liệu cho rằng sở dĩ ông không ký bởi xác định khối lượng không chính xác, còn thêm gỗ “nghi không phải gỗ trắc” không rõ ràng, vì thực tế Công ty Ngọc Hưng chỉ nhập gỗ trắc. Đại diện Viện kiểm đặt câu hỏi: “Nếu thực tế 21,506 m3 nghi không phải gỗ trắc là gỗ giáng hương như cáo buộc thì sao?”.

Bị cáo Liệu khẳng định: “Nếu kể cả đó là gỗ giáng hương thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính việc khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97/2007/ND-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hành vi khai sai không phải là hành vi buôn lậu, không phải là tội phạm”.

Xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc: Tang vật vụ án đã bị bán, căn cứ vào đâu để làm rõ?

Các bị cáo tại tòa

Liên quan đến hồ sơ lô gỗ và hợp đồng kinh tế số 35 với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, bị cáo Liệu thừa nhận Công ty Ngọc Hưng lập hợp đồng này trên 2 tờ giấy khống chỉ vì được đại diện nhà máy nhờ. Nhưng, cả bị cáo Liệu và bị cáo Dung đều cho rằng việc làm các hợp đồng kinh tế trên các tờ giấy có đóng dấu và ký tên sẵn không vi phạm pháp luật, vì là hợp đồng bằng tiếng Việt và đối tác nhờ nên Công ty Ngọc Hưng làm giúp.

Bị cáo Liệu nhiều lần khẳng định, không làm giả hồ sơ giấy tờ để hợp thức hóa việc nhập khẩu gỗ. Theo bị cáo, gỗ được chở từ Lào, thông quan ở cửa khẩu của Lào rồi mới đến Cửa khẩu Lao Bảo. Bị cáo chỉ nhận gỗ và làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Lao Bảo. Bị cáo không cần thiết phải quan tâm gỗ này ở Lào như thế nào, có nguồn gốc xuất xứ ra sao mà chỉ cần Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào thông quan được ở Lào, đưa về Cửa khẩu Lao Bảo, bị cáo sẽ nhận. Điều này được quy định rõ trong luật.

HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với những người được triệu tập. Trong phần trả lời của mình, đại diện Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Lịch - Phó Cục  trưởng Cục điều tra chống buôn lậu cho biết, thời điểm năm 2011, gỗ trắc không phải là loại gỗ cấm nhập khẩu, các doanh nghiệp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ hải quan là có thể nhập khẩu loại gỗ này. Cụ thể theo Công văn số 1328 ngày 08/02/2013 của Bộ Công Thương thể hiện rõ nội dung: “Gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên trong nước thuộc danh mục mặt hàng cấm xuất khẩu; gỗ nhập khẩu, tạm nhập tái xuất từ các nước vào Việt Nam (trừ Campuchia), cũng như gỗ có nguồn gốc từ nhập khẩu không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu” và quy định “gỗ nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước không chịu trách nhiệm pháp lý về hồ sơ xuất khẩu ở nước ngoài”.

Đại diện Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt cho rằng lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng được phân luồng vàng theo hệ thống quản trị rủi ro hải quan. Dựa vào lịch sử giao dịch của doanh nghiệp, các lô hàng sẽ được phân luồng. Nếu được phân luồng vàng, lô hàng chỉ cần kiểm tra hồ sơ, không cần kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, vì mặt hàng xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng là gỗ nhập khẩu nên phải bắt buộc kiểm tra 5% hàng hóa thực tế trên tổng khối lượng hàng hóa và Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt chỉ chịu trách nhiệm trên 5% khối lượng hàng hóa kiểm tra.

Xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc: Tang vật vụ án đã bị bán, căn cứ vào đâu để làm rõ?

Bị cáo Liệu và Dung khẳng định lô gỗ Công ty Ngọc Hưng nhập từ Lào và làm thủ tục xuất đi Hong Kong chỉ có 535,8 m3 gỗ trắc, không có gỗ giáng hương.

HĐXX hỏi về căn cứ khởi tố vụ án, ông Phạm Văn Bằng (cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Hải quan, trực tiếp tham gia xử lý vụ án) cho biết, thời điểm đó, theo kết luận giám định số 151 ngày 12/4/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, trong lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng có 431,6m3 gỗ trắc, 21,5m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ trắc thành phẩm. Vì 21,5m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ trắc thành phẩm không có trong tờ khai hải quan nên Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án.

Tòa hỏi, theo khám xét của Cục Điều tra chống buôn lậu thì lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng khi xuất ít hơn khi nhập 82,696 m3, nghĩa là khi nhập đã nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhiều hơn quy định, hành vi buôn lậu ở đâu? Quan chức hải quan trả lời, lúc đó còn xác định Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập khẩu. Tuy nhiên ở đây, theo quy định, hồ sơ nhập khẩu là do Công ty Ngọc Hưng tự kê khai và cơ quan khởi tố cũng chưa xác định giả nội dung gì hay ở một văn bản cụ thể nào?

Không chỉ vậy, việc khám xét lô gỗ đến ngày 14/3/2012 mới đo đếm xong nhưng kết luận giám định số 151/VSTNSV của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật Việt Nam xác định lô gỗ có 453,104 m3 (gồm 431,598 m3 gỗ trắc và 21,506 m3 ghi không phải gỗ trắc) lại ký ngày 12/3/2012. Tức ký trước khi kết thúc việc đo đếm 02 ngày. HĐXX đặt ra câu hỏi vì sao giám định biết trước được như thế để đưa ra con số 21,506 m3 “nghi không phải gỗ trắc” cho Cục Điều tra chống buôn lậu làm căn cứ khởi tố vụ án? Trước câu hỏi này, các quan chức hải quan không giải thích được(!)...

Sau phần đại diện Viện kiểm sát hỏi, các Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này tiếp tục đặt nhiều câu hỏi đối với  các bị cáo và các cá nhân, đơn vị được triệu tập đến tòa. Trong đó, vấn đề tang vật vụ án đã bị bán và sự xuất hiện gỗ giáng hương trong lô gỗ trắc được các luật sư đặt nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, tại tòa chưa có câu trả lời nào thỏa đáng từ các cá nhân, đơn vị liên quan về những nội dung này...

Sau hơn hai ngày xét xử, HĐXX nhận thấy vẫn chưa thể kết thúc phần xét hỏi vì cần thiết phải triệu tập một số thành phần như người tham gia giám định lô gỗ, điều tra viên “ép cung”, người làm chứng ở hải quan, bị cáo Đỗ Danh Thắng  và những người liên quan khác đến tòa nên quyết định tạm nghỉ phiên tòa vào chiều 5/7.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục mở vào 8 giờ ngày 8/7 (Thứ 2).  

Báo Công lý tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc: Tang vật vụ án đã bị bán, căn cứ vào đâu để làm rõ?