Xử lý thế nào với hành vi mua bán bào thai?

Phương Nam| 25/11/2018 08:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, các đối tượng mua bán người đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lừa bán phụ nữ, trẻ em, trong đó có các hình thức tội phạm mới phát sinh như đẻ thuê, bán bào thai…cần có quy định để xử lý.

Cách đây không lâu, Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện vụ thỏa thuận mua thai nhi với giá 50 nghìn nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). Phan Ngọc A. (27 tuổi, trú tại TP HCM) sau khi lấy chồng Trung Quốc, bị nhà chồng ruồng rẫy nên bỏ trốn về Việt Nam. Trong hoàn cảnh quẫn bách, A. kể với người quen tên là Hồng về việc đang mang thai nhi giới tính nam gần 7 tháng tuổi và nhờ tìm người Trung Quốc mua con của A. sau khi sinh. Người này tìm được mối bán đứa trẻ với giá 50 nghìn nhân dân tệ. Theo kế hoạch, A. sẽ được đưa từ TP. HCM ra Móng Cái rồi sang Trung Quốc. Khi A. sinh con xong thì người mua con của A. sẽ trả tiền. Tuy nhiên trong khi tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì các đối tượng bị Công an TP Móng Cái kiểm tra, phát hiện.

 Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Moong Thị Hà (SN 1969) về tội "Mua bán người". Theo kết quả điều tra của lực lượng chức năng, vào đầu tháng 9/2017, đối tượng Moong Thị Hà biết tin chị L.T.T.H. (SN 2000) đang có nhu cầu tìm việc làm. Lập tức đối tượng Hà tiếp cận, giới thiệu chị H. đi làm công nhân dệt may ở Bắc Ninh có lương cao, nhưng thực chất là để lừa bán sang Trung Quốc.  Tiếp đó, đối tượng Moong Thị Hà móc nối với con gái là Ốc Thị Long, hiện đã lấy chồng và sinh sống bên Trung Quốc để tìm mối bán chị H.

Biết chị H. mang thai, Long đã nhất trí mua với mức giá 140 triệu đồng, trong đó người mẹ là 120 triệu đồng, còn thai nhi là 20 triệu đồng. Sau khi đưa chị H. sang Trung Quốc để chờ sinh, rồi bán lần lượt cả mẹ lẫn con. Đến ngày 25/9/2017, Moong Thị Hà gọi điện cho chị H. xuống nhà của đối tượng tại bản La Ngan, để ký kết hợp đồng và cho ứng trước 2 triệu đồng làm tin. Lúc này, chị H. có cho biết là đang mang thai. Vào lúc 22h cùng ngày, Moong Thị Hà bắt xe khách đưa chị H. lên đường sang Trung Quốc bán thì bị tổ công tác Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp cùng lực lượng Bộ đội biên phòng phát hiện và bắt giữ.

 Theo cơ quan điều tra, việc mua bán bào thai là thủ đoạn phạm tội mới được phát hiện. Hành vi của các đối tượng nên trên có dấu hiệu của tội mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, vào thời điểm được phát hiện, chị A. và chị H. mới mang thai, đứa trẻ chưa ra đời nên chưa có hậu quả xảy ra, chưa cấu thành tội danh trên.

Xử lý thế nào với hành vi mua bán bào thai?

Moong Thị Hà bị phạt 3 năm tù về tội “Mua bán người”

Trong các vụ việc này, đối tượng thường tập trung vào những phụ nữ quá lứa, lỡ thì, các cô gái có hoàn cảnh éo le..., có nhu cầu bán trẻ em từ khi mang thai. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, giữa các đối tượng có sự câu kết chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước. Trong khi đó, đến thời điểm này chưa có tiền lệ xử lý các vụ việc như trên nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

 Có quan điểm cho rằng, trẻ em được hiểu là những đứa trẻ từ khi lọt lòng người mẹ đến 16 tuổi theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, theo các văn bản quy phạm pháp luật và giải thích luật, thai nhi chưa được coi là trẻ em, chưa được thừa nhận là công dân. Việc mua bán bào thai chính là thực tiễn nảy sinh mà chưa có điều luật điều chỉnh. Với quy định tại Điều 150 và Điều 151 BLHS 2015 sẽ không xử lý được đối tượng mua và đối tượng tự bán bào thai của mình vì không xác định được đây là bộ phận cơ thể người hay là trẻ em vì em bé chưa sinh ra. 

Cũng có quan điểm khác cho rằng hành vi mua bán thai nhi hoàn toàn có thể bị xử lý theo điều luật về mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS 2015) vì  dù hành vi trao đổi, gạ gẫm diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh (thường sau khi sinh), tức tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra. Nếu vụ việc bị bắt quả tang tại thời điểm này thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đủ cơ sở để xử lý về tội mua bán trẻ em. Do đó, đối với đối tượng có hành vi mua, bán trẻ em, kể cả thai nhi, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng điều luật mua bán người dưới 16 tuổi để xử lý. Nhưng nếu vụ việc bị bắt quả tang trước thời điểm đứa trẻ sinh như vụ ở Móng Cái hay Nghệ An thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Cũng liên quan đến hành vi mua bán thai nhi là ý thức của người mẹ, để từ đó xác định được trong các vụ việc mua bán thai nhi thì người mẹ mang thai nhi đó là nạn nhân hay đồng phạm. Trên thực tế qua các vụ mua bán thai nhi thường thấy có hai loại đối tượng người mẹ.  Nhóm thứ nhất là người mẹ nhận thức kém hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, thế cùng quẫn buộc phải miễn cưỡng (không mong muốn) bán bào thai trong bụng mình, như bị phụ bạc, ruồng rẫy, không muốn có con nhưng thai nhi đã lớn, không thể phá bỏ.  Nhóm thứ hai là người mẹ có động cơ tư lợi, để kiếm tiền như một số vụ đã xảy ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có người mẹ bán thai nhi, nhận lấy tiền ăn tiêu rồi đợi ngày sinh hạ để bàn giao đứa con của mình cho kẻ khác. Trường hợp này, người mẹ không có lý do biện bạch khi phạm pháp có ý thức chủ quan và động cơ vụ lợi rất rõ.

Giai đoạn 2011-2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý thế nào với hành vi mua bán bào thai?