Xu hướng huy động vốn của doanh nghiệp BĐS thời gian tới

Trang Nhi| 14/12/2021 10:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xu hướng huy động vốn vào bất động sản trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào đang là một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thị trường bất động sản đang bước vào tháng cuối cùng của năm 2021 với tốc độ bức phá mạnh mẽ. Tại nhiều khu vực, lượng giao dịch mua - bán diễn ra khá sôi động. 

huy-dong-von.jpg
Xu hướng huy động vốn của doanh nghiệp BĐS thời gian tới

Mặc dù Thông tư 16/2021/TT- NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động phát hành trái phiếu, trong đó có cả doanh nghiệp bất động sản, nhưng trái phiếu không phải là kênh duy nhất để các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn.

Các doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến nhiều nguồn khác để huy động vốn. 

Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021, ông Lê Vũ Trường, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương cho rằng: "Việc IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán thời gian tới sẽ là một xu thế tất yếu. Bởi nếu nhìn vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan đến việc cho vay hay phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn và kênh huy động này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".

Việc IPO có đem lại hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của bản thân các doanh nghiệp. Đây sẽ là một kênh huy động vốn cực kỳ tốt nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt. Bởi khi đã lên sàn nghĩa là mọi thứ đều phải minh bạch, các thông tin của doanh nghiệp tới nhà đầu tư đều phải rõ ràng.

Về dài hạn, trong khoảng 5 - 10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản (chia nhỏ bất động sản để huy động vốn) thông qua các quỹ đầu tư sẽ được quan tâm. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa liên quan đến việc phát triển các đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. 

Xét về tỷ trọng, nguồn vốn đến từ ngân hàng và trái phiếu vẫn chiếm chủ đạo và quan trọng nhất. Tuy nhiên, thời gian tới có thể nguồn vốn từ hai kênh này sẽ giảm và nguồn vốn liên quan đến hoạt động IPO sẽ tăng lên.

Ngoài ra còn một nguồn vốn tiềm năng nữa là đến từ các khách hàng, bởi họ chính là những người mua sản phẩm cuối cùng.

Có thể nói, thị trường vốn của Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng đã và đang đa dạng hóa nguồn vốn huy động của mình cả ở trong và ngoài nước.

"Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ về lâu dài cần phải có các quỹ như Quỹ tín thác bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ phát triển nhà ở. Đây đều là những mô hình mà các nước triển khai tương đối tốt trong thời gian vừa qua", chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng huy động vốn của doanh nghiệp BĐS thời gian tới