Dáng người nhỏ bé, nước da đen nhẻm, đứng khép nép bên vành móng ngựa, non nớt trả lời từng câu hỏi của vị Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.
Cho đến bây giờ, bị cáo vẫn chưa nhận thức được hết hành vi phạm tội của mình nghiêm trọng đến mức nào, khi tuổi đời của mình còn rất trẻ.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xử kín của TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra xét xử bị cáo N.T.Q trú tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tại thời điểm phạm tội, bị cáo chỉ mới hơn 14 tuổi. Trong khi đó nạn nhân là cháu A cũng trú tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi chỉ vừa mới 7 tuổi. Vì vậy, vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận địa phương.
Theo nội dung hồ sơ vụ án. Q và A là bạn gần nhà và thường đi chơi chung với nhau. Từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình cháu A khó khăn, mẹ phải đi buôn bán xa nhà, cha thì quanh năm “đầu tắt, mặt tối” với đồng ruộng. Cháu A lớn lên, thiếu vắng tình thương, bảo bọc của mẹ và sự chăm sóc của người cha. Ngoài giờ đi học, A thường hay đi chơi chung với Q. Cả hai coi nhau như anh em. Bản thân Q cũng xem A như em gái của mình. Khai nhận hành vi phạm tội của mình trước Tòa, Q kể: Gia đình mình thuộc diện không mấy khá giả, ba mẹ đều làm nông. Đến tuổi dậy thì, có những tò mò về tâm sinh lý nhưng Q ngại ngùng không dám hỏi ai. Trong khi đó, nhiều lần đi chơi với các thanh niên địa phương, nghe về những câu chuyện giới tính, Q rất háo hức nghe ngóng, tìm hiểu và bắt đầu manh nha ý nghĩ về quan hệ tình dục. Trưa 29/1/2015, trong một lần rủ cháu A đi câu cá, Q đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với cháu A. Sự việc bị cha cháu A phát hiện và làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Qua quá trình điều tra, Q khai nhận ngoài lần đó ra, Q còn thực hiện hành vi giao cấu với cháu A hai lần nữa vào tháng 12/2014.
HĐXX tuyên án
Khi vị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên án bị cáo Q phải lĩnh mức án 4 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, Q đứng sững người, ánh mắt vô hồn, dường như em chưa đủ chín chắn để mường tượng về những ngày tháng xám xịt đang chờ đợi mình ở phía trước. Cả người nhà nạn nhân và bị cáo nước mắt giàn giụa, thương cho đứa con trai non nớt sớm vướng vào vòng lao lý.
Trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, các thành viên trong Hội đồng xét xử nhiều lần hỏi bị cáo: “Cháu có còn muốn đi học nữa không?”. Bị cáo Q trả lời trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Cháu rất muốn đi học, cháu còn muốn ở với ba mẹ nữa…”. Đáp lại, giọng vị Thẩm phán cương nghị: “Bị cáo còn quá nhỏ, tuy nhiên bị cáo vi phạm pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt đích đáng. Bản án chưa hẳn đã đóng sập cánh cửa cuộc đời đối với cháu. Tương lai phía trước ra sao chính là sự nỗ lực, cố gắng của cháu. Bên cạnh đó gia đình cũng cần phải dìu dắt, theo dõi cháu chứ không phải cứ chấp hành xong hình phạt tù là xong đâu! Tuổi cháu còn trẻ, gia đình phải là điểm tựa, tiếp sức để cháu biết vươn lên mà hoàn lương, làm lại từ đầu…”.
Vụ án xảy ra, không thể không nhắc đến một phần lỗi của gia đình hai bên. Đáng lý ra khi đến cái tuổi dậy thì, gia đình hai bên phải định hướng, uốn nắn, quan tâm, chăm sóc cho các con. Tuy nhiên, vì bận bịu với công việc mưu sinh hằng ngày mà cha mẹ đã vô hình chung đẩy chính con mình vào con đường lao lý. Giờ đây, chính bản thân bị cáo trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Người bị hại là cháu A phải sống trong mặc cảm nặng nề cũng như những ảnh hưởng tâm, sinh lý về sau. Điều đó sẽ còn rất khó khăn trên đường tái hòa nhập cộng đồng của các cháu...