Xác định các hủ tục lạc hậu, tốn kém, kéo dài chính là những sợi dây xích cột chặt đồng bào vùng cao xứ Thanh vào đói nghèo, chậm phát triển. Các cơ quan chức năng cùng với cính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tới tận nhà để vận động, thuyết phục người dân.
Với giải pháp thực hiện tuyên truyền, vận động theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" nhằm đẩy lùi hủ tục lạc hậu ra khỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tập trung triển khai Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hoá ”, những năm gần đây, việc cưới xin, việc tang ở vùng đồng bào Mông đã được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết khiến thể trạng người dân ngày một suy kiệt, mang nhiều loại bệnh hiếm gặp đã đần được đẩy lùi. Bên cạnh đó, ý thức về vệ sinh môi trường của người dân đã được nâng lên rõ rệt, đồng bào đã di dời chuồng trại ra xa nhà; cải tạo, làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm...
Theo thống kê, đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Hiện này đời sống của đồng bào Mông vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Điển hình như ở Pù Nhi (Mường Lát ) có 11 bản, trong đó có 7 bản người Mông gồm 1.253 hộ với 5.758 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 65% số hộ dân trên địa bàn xã (719 hộ nghèo, 95 hộ cận nghèo), nhiều hủ tục lạc hậu vẫn chưa được loại bỏ trong vùng đồng bào, như việc tổ chức tang ma, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Nguyên Phó Bí thư huyện ủy Mường Lát Lâu Minh Pó là người con sinh ra từ bản người Mông ở Pù Nhi. Bản thân ông hiểu rằng, để xóa bỏ được những phong tục, tập quán lạc hậu cần phải có thời gian, không phải một sớm, một chiều mà làm được. Ông Pó đã nỗ lực tuyên truyền vận động bà con tuân thủ pháp luật, xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Khi nghỉ hưu, ông lại càng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.
“Để vận động, thay đổi những người xung quanh, mình phải làm trước thì bà con dân bản mới tin tưởng và làm theo. Tôi đã lặn lội đi khắp các bản có đồng bào Mông sinh sống để nói chuyện, khuyên nhủ, thuyết phục bà con, đặc biệt là những người đứng đầu dòng họ, những người có uy tín, già làng trưởng bản. Dần dà mưa dầm thấm lâu, bà con Nhân dân đã thấy được những quan niệm, việc làm của mình lâu nay nó là hủ tục cần phải xoá bỏ”, ông Lầu Minh Pó tâm sự.
Trải qua quá trình gần 10 năm, ông Lâu Minh Pó đã đi khắp các bản người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện nếp sống mới, góp phần vào kết quả chung của tỉnh về tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa vùng đồng bào Mông. Đến nay, 100% đám tang của đồng bào Mông tại Pù Nhi, huyện Mường Lát và các xã lân cận được cử hành theo nghi thức mới, đoạn tuyệt hoàn toàn với những hủ tục lạc hậu tồn tại bao đời nay.
Ngoài ra, với kinh nghiệm, hiểu biết của mình, ông Lâu Minh Pó còn được Ban Dân tộc tỉnh mời tham gia tuyên truyền tại nhiều hội nghị thực hiện nếp sống văn hóa vùng đồng bào Mông ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa
Tại huyện vùng cao Quan Hóa, Bí thư Chi bộ Giàng A Chu còn trẻ nhưng năng nổ và xông xáo trong mọi việc của bản, đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và bà con trong bản xóa bỏ các tập quán lạc hậu, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới trong tang lễ đồng bào Mông.
Bí thư chi bộ Giàng A Chu, cho hay: Những năm trước đây, các hủ tục như ma chay, thờ cúng dài ngày gây tốn kém, khi ốm còn nhờ thầy mo về cúng bái, dẫn đến bệnh không những không thuyên giảm mà còn chết người; người mất cũng không đưa vào quan tài gây ảnh hưởng đến môi trường; tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở bản. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo, lạc hậu.
Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt Chi bộ cũng như tổ chức họp thôn, Giàng A Chu đã khéo tuyên truyền lồng ghép đưa vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư để cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thôn ký cam kết thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, hầu hết các hộ trong bản đã ký cam kết, chấp hành việc đưa người mất vào quan tài.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông, trong đó nòng cốt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ làm gương cho các hộ đồng bào Mông làm theo.
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực từ huyện đến xã và cán bộ bản, đến nay đồng bào dân tộc Mông ở các bản trên địa bàn Thanh Hóa đã từng bước thay đổi về nhận thức, thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của bản về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang.
Trong 2 năm (2021 và 2022), Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tổ chức được 5 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông cho trên 1.100 người là cán bộ chủ chốt cấp xã và đồng bào dân tộc Mông.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền với 439 đại biểu thuộc các xã vùng đồng bào Mông tại huyện Mường Lát tham gia.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong ma chay, cưới hỏi. Người ốm đến các trung tâm y tế khám chữa bệnh, không để người mất trong nhà quá 24 tiếng.
Một hủ tục khác kìm kẹp người dân là tục lệ hôn nhân cận huyết và tảo hôn. Khi các em chưa phát triển hết về thể trạng đã phải làm cha, làm mẹ. Những “bố, mẹ” trẻ con nheo nhóc, chăm sóc bản thân còn khó huống hồ phải lo cho con cái. Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có hôn nhân cận huyết thường èo uột, khó nuôi. Cộng thêm thiếu dinh dưỡng dẫn tới thể trạng ngày càng thấp, còi.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cuộc “cách mạng” làm thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu, rộng. Người dân dần nhận thức ra được những hạn chế, bất cập trong các hủ tục đã kìm kẹp bao đời. Thói quen đốt nương, di cư cũng từ đó được xóa bỏ khi các bản, làng được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đường sá đi lại thuận lợi, trẻ em được tới trường.