Bản người Mông Ché Lầu (thuộc xã biên giới Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) nằm sâu trong dãy Pha Luông có độ cao hơn chín trăm mét so với mực nước biển. Bản biệt lập với bên ngoài, con đường đất lầy lội, trơn trượt, dốc thăm thẳm làm nản lòng những ai muốn vào đây. Không ít các hủ tục lạc hậu đã kìm chặt người dân trong đói nghèo.
Theo chân cán bộ văn hóa xã Na Mèo vào một ngày nắng ấm Thao Văn Dính để hành quân vào Ché Lầu, bản người Mông với 64 hộ gia đình, hơn 300 nhân khẩu.
Thật đặc biệt khi anh Thao Văn Dính (sinh năm 1977) lại chính là người con của Ché Lầu. Vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) phát canh, di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo). Cộng đồng người Mông số trên núi cao, có địa hình chia cắt, đi lại khó khăn nên nhiều hủ tục ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ.
Cuộc sống mới của người Mông ở bản Ché Lầu
Đi ra khỏi những con dốc thăm thẳm, tiếp cận với khoa học hiện đại, làm cán bộ, anh ý thức được những hủ tục trong việc tổ chức tang ma, với việc giết mổ nhiều trâu, bò; người chết không được bỏ vào quan tài mà để lâu ngày trong nhà... không chỉ khiến đời sống bà con triền miên trong đói nghèo lạc hậu, mà còn khiến môi trường, sức khỏe cũng bị đe dọa. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng văn minh và anh trở thành một tấm gương để tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và làm theo.
Thông thạo từng nóc nhà, từng người lớn bé, thuộc mọi nét văn hóa của cộng đồng mình, anh Thao Văn Dính cùng cán bộ cơ sở, trưởng bản từng bước thuyết phục họ cùng tham gia vận động xóa bỏ hủ tục. Vào tháng 5/2018, khi cháu họ của ông là Thao Trọng Văn mất, anh Dính liên lạc với mấy anh em trong dòng họ và cán bộ cơ sở để bàn bạc cùng thống nhất lo tang ma cho cháu theo nếp sống mới, đưa thi thể cháu vào quan tài.
Anh Dính nhớ lại: “Thay đổi phải từ nhà mình trước, nên tôi quyết tâm về bàn cùng anh em triển khai. Khi về đến bản tôi đã thấy anh em dòng họ và bà con dân bản đang chuẩn bị cáng tre treo thi thể cháu lên vách nhà theo tục lệ. Thấy vậy, tôi đã yêu cầu mọi người dừng lại, rồi vận động, thuyết phục họ đóng quan tài để khâm liệm thi thể. Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, dòng họ, nhưng tôi và cán bộ vẫn kiên trì giải thích nên cuối cùng gia đình đã đồng ý đưa cháu vào quan tài. Đồng thời, đám tang được tổ chức gọn nhẹ, với đầy đủ các nghi thức truyền thống, dưới sự chứng kiến của người dân trong bản. Thấy có lợi nên dân bản nghe theo.”
Trẻ em được đến trường
Thắng lợi bước đầu trong việc tang ma khiến uy tín của anh Dính ngày một cao, được người dân tin tưởng. Cùng với y tá bản, các thầy, cô giáo đang cắm trong bản cuộc cách mạng văn hóa, đưa con em đến điểm trường được triển khai. Mọi người chia nhau tới tận nhà động viên, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để cho con em tới lớp. 100% các cháu đến tuổi mẫu giáo được đi trẻ, học xong tiểu học thì đi học bán trú. Có kiến thức, các em chính là tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả để người trong nhà có chuyển biến, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, đau ốm đi khám bệnh ở trạm xá, bênh viện. Loại trừ các loại bói toán, mê tín, chữa bệnh bằng cúng bái.
Từ đây nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết là một trong những vấn đề nhức nhối của người Mông được từng bước tiếp cận và xóa bỏ. Anh Thao Văn Lâu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Ché Lầu hồ hởi: “Nhờ cán bộ, Nhà nước mà bản dẹp được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bây giờ trong đám cưới của lớp trẻ, các thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Tìm hiểu, yêu nhau rồi mới đến kết hôn. Không còn tục “bắt vợ” nữa đâu. Khi tổ chức đám cưới thì đơn giản, gọn nhẹ trong ngày chứ không tổ chức dài ngày với nhiều nghi lễ rườm rà như xưa.”
Đa phần người Mông vẫn sống nhờ vào rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung tự cấp. Nhưng nhiều thế hệ thanh niên đã được đi học, tiếp cận với môi trường mới đã phát triển, hoàn thiện bản thân. Họ trở thành công nhân tại các khu công nghiệp ở Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh… hoặc đi xuất khẩu lao động tại các nước Châu Á, Trung Đông… Một con đường bê tông với những chiếc cầu cứng đang dần hình thành để xe cơ giới vào tới Ché Lầu và bản người Mông khác là Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Những hủ tục lạc hậu sẽ dần bị khai phá, nhường chỗ cho nếp sống văn minh, hiện đại. Cộng đồng người Mông sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong phát triển kinh tế xã hội nơi phên dậu xứ Thanh.
Xóa bỏ được các hủ tục khiến người dân xóa đói, giảm nghèo
Anh Thao Văn Dính hướng dẫn người dân sản xuất
Một góc bản Ché Lầu
Con đường bê tông dẫn tới Ché Lầu dần hoàn thiện