Ngày 18/12, ngày thứ 3 trong phiên xử vụ sập giàn giáo Formosa Hà Tĩnh, HĐXX tiếp tục làm rõ các tình tiết trong vụ án, đặc biệt dành phần lớn thời gian cho thân nhân những người bị hại trình bày nguyện vọng.
Những vướng mắc về chi phí bồi thường đều được chủ tọa phiên tòa làm rõ, hướng dẫn cụ thể thân nhân những người bị hại để họ hiểu và nhận được tối đa các quyền lợi của mình.
Một số nạn nhân đề nghị công ty Samsung và Nibelc tiếp tục hỗ trợ thêm chi phí như viện phí, bảo hiểm xã hội, bởi trước đó các đơn vị này từng hứa hỗ trợ nhưng đến nay chưa thấy hồi âm. Họ yêu cầu phải cam kết thời gian cụ thể.
Đáp lại, phía công ty Samsung trấn an các nạn nhân an tâm điều trị, đơn vị cam đoan chi trả đúng các chi phí phát sinh điều trị, đồng thời thành lập hội đồng tham vấn giải quyết những khoản hỗ trợ cho người bị hại sau phiên tòa.
Đại diện Công ty SamSung trả lời những câu hỏi của những người bị hại
Trong phần tranh tụng tại tòa, luật sư Nguyễn Khắc Tuấn – người bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức cho rằng phía công ty Nibelc sử dụng lao động không đúng chuyên môn, có sự cẩu thả. Cụ thể, theo hợp đồng thì Tuấn vào làm công nhân về sắt thép nhưng khi vào làm việc thì lại được phân làm tại tổ vận hành giàn giáo.
Quá trình làm việc Tuấn cũng không được công ty hướng dẫn cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra. Việc được cử làm tổ trưởng vận hành cũng chỉ là nói miệng, không có giấy tờ.
Các bị cáo luôn tỏ ra ăn năn, hối hận trong suốt phiên xử
Đại diện công ty Nibelc phúc đáp rằng giữa đơn vị này và công ty Samsung C&T có quy trình đặt hàng lao động. Sau khi Nibelc bàn giao lao động cho Samsung thì việc điều hành công nhân là do công ty này điều hành, trách nhiệm không liên quan gì đến Nibelc.
Tiếp đó, luật sư Tuấn hỏi tiếp về người chịu trách nhiệm chính trong sự cố sập giàn giáo, ông Kim Jong Wook thừa nhận chính bản thân mình. Theo quy trình nếu có sự cố gì về thủy lực thì tổ trưởng phải báo cáo với ông, sau đó sẽ có trách nhiệm xử lý rồi báo cáo với những cấp cao hơn.
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn bào chữa cho 2 bị cáo người Việt
Cuối giờ chiều nay VKS đọc bản luận tội nêu rõ hành vi của 4 bị cáo là cực kỳ nghiêm trọng, việc làm của Jong Wook và Lee Jae Myeong là vi phạm quy định về an toàn lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp. Trong trường hợp gặp sự cố đáng lẽ phải thực hiện ngay những biện pháp khắc phục và ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy có nguy cơ gây tai nạn nhưng các bị cáo đã coi thường tính mạng người khác, vẫn thúc ép công nhân trở lại làm việc.
Tuấn và Đức vi phạm nghĩa vụ của người lao động đối với công tác an toàn lao động, đó là không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động hoặc sự cố nguy hiểm.
Người nhà của bị cáo người Hàn Quốc xúc động khóc tại phiên tòa
Theo đó, đại diện VKS đề nghị xử phạt Kim Jong Wook mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù giam, Lee Jea Myeong, Nguyễn Anh Tuấn cùng bị đề nghị mức án từ 3 đến 4 năm tù giam, Nguyễn Thái Đức từ 30 đến 36 tháng tù giam.
Theo VKS, truy tố các bị cáo về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo khoản 3 điều 227 Bộ luật Hình sự là phù hợp. Theo quy định về khung hình phạt đối với "Vi phạm quy định về an toàn lao động" là 7 - 12 năm tù giam. Tuy nhiên, các bị cáo có nhân thân tốt, đã ăn năn, hối cải cũng như tinh thần trách nhiệm của các công ty liên quan đối với các nạn nhân và thân nhân của họ. Nhiều bị hại tại tòa đã xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì đây là tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, nên VKS đã đề nghị mức hình phạt ở khung thấp nhất.
Phiên tòa sẽ trở lại vào sáng thứ Hai ngày 21/12 với phần tuyên án.