Pháp đình

Xét xử vụ khai thác than lậu: Xác định 3 nhóm khách hàng tiêu thụ sản phẩm

Nguyễn Liên 11/10/2023 - 09:28

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương bán than khai thác trái phép tại Mỏ than Minh Tiến cho 3 nhóm khách hàng tại Thái Nguyên, thu lời bất chính hơn 386,6 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu rõ, Công ty Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Châu Thị Mỹ Linh làm Tổng Giám đốc.

Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.

Tuy nhiên, bị cáo Linh đã cấu kết với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.

xxcbn.jpg
HĐXX vụ án khai thác than lậu
tthan-lau-7-.jpg
33 bị cáo hầu tòa vụ khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than ở Thái Nguyên.
tthan-lau-13-.jpg
Cáo trạng xác định, từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương bán than khai thác trái phép tại Mỏ than Minh Tiến cho 3 nhóm khách hàng tại Thái Nguyên.

Tính đến thời điểm bị khởi tố, nhóm người này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm. Trong đó, có 2,7 triệu tấn than; 420.000 mét khối bã sàng và đá đen.

Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Trong vụ khai thác hơn 3 triệu tấn than lậu ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có 3 nhóm khách hàng tại Thái Nguyên tiêu thụ than khai thác trái phép.

Cụ thể: nhóm thứ nhất gồm giai đoạn từ 2019 đến năm 2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh (có trụ sở tại Cụm công nghiệp An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) hơn 606.152 tấn than và hơn 38.479 tấn bã sàng, tổng giá trị hơn 372,7 tỷ đồng.

Xác minh tại Công ty An Khánh, xác định: Năm 2019 và 2020, Công ty An Khánh ký các hợp đồng mua than của Công ty Thịnh Vượng TH và Công ty Thắng Lợi (thuộc nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương). Các công ty này đã xuất 28 hóa đơn GTGT, tổng giá trị hơn 455,47 tỷ đồng (bao gồm VAT). Công ty An Khánh đã chuyển thanh toán hơn 359,83 tỷ đồng, còn nợ Công ty Thắng Lợi số tiền hơn 95,64 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định, số than Công ty An Khánh đã mua trên có nguồn gốc từ việc các thành viên góp vốn Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép tại Mỏ than Minh Tiến, sau đó xuất bán cho Công ty An Khánh và các cá nhân này sử dụng pháp nhân Công ty Thịnh Vượng TH, Công ty Thắng Lợi ký hợp đồng bán than. Vì vậy, Công ty An Khánh phải nộp lại số tiền 95,64 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.

Nhóm khách hàng thứ hai, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) ký hợp đồng mua của Công ty Thịnh Vượng TH hơn 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,22 tỷ đồng.

Nhóm thứ ba là các khách hàng cá nhân tại tỉnh Thái Nguyên 158,91 tấn than và 94.364 m3 bã sàng, thu số tiền hơn 15,63 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua các nguồn khác với số lượng 1.477.698 tấn than cám, 866.330 tấn bã sàng. Sau khi phối trộn các nguồn than (khai thác trái phép từ mỏ Minh Tiến gồm 464.535 tấn than cám; 153.868 tấn bã sàng; nhập khẩu, mua của TKV, mua lậu không hóa đơn), thông qua Công ty SHN, Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long ở Quảng Ninh 1.271.125 tấn than cám, giá trị 1.977.327.737.336 đồng; 11.888 tấn bã sàng, giá trị 3,563 tỷ đồng.

Cùng với đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương còn bán cho Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành ở Kinh Môn, Hải Dương 145.685 tấn than cám, giá trị 167,340 tỷ đồng; bán cho Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên) 88.492 tấn, giá trị 67,648 tỷ đồng (năm 2017 và 2018) và bán cho các khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị 636.066 tỷ đồng…

Do số lượng than, bã sàng khai thác từ Mỏ than Minh Tiến vận chuyển về các bãi ở Phúc Sơn đã được phối trộn với các loại than có nguồn gốc khác (nhập khẩu, mua của TKV, mua lậu không hóa đơn) để bán cho các khách hàng, tài liệu điều tra thu thập được đến nay không phân tách, tính toán được tỷ lệ, khối lượng than có nguồn gốc khai thác trái phép từ Mỏ than Minh Tiến đã bán, còn tồn nên không xác định số tiền mà nhóm thành viên Công ty Đông Bắc Hải Dương đã bán thu lời.

Như vậy, theo tài liệu điều tra đến nay xác định, tổng số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương thu được từ việc bán than, bã sàng khai thác tại mỏ than Minh Tiến là hơn 386,69 tỷ đồng. Sau khi thanh toán cho Châu Thị Mỹ Linh hơn 163,45 tỷ đồng và Ngụy Quang Thuyên hơn 9,76 tỷ đồng, số tiền còn lại được xác định là Công ty Đông Bắc Hải Dương thu lời bất chính hơn 213,57 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ khai thác than lậu: Xác định 3 nhóm khách hàng tiêu thụ sản phẩm