Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Đại diện Ngân hàng xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

An Dương| 12/12/2018 19:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư trình bày luận cứ bảo vệ cho nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP vốn Thái Thịnh trong vụ ĐAB cho 3 tổ chức và 5 cá nhân vay 1.671,6 tỷ đồng và sử dụng 1.508 tỷ mua tài sản của nhóm công ty này.

Ngày 08/12/2007, Công ty CP vốn Thái Thịnh ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Vietnam Intrastructure Holding Limited (VIHL) và Vinaland Espero Limited (VNL) để nhận 100 triệu USD đầu tư cổ phần, vốn góp tại 11 Công ty (chủ yếu sở hữu các dự án bất động sản). Thời hạn của hợp đồng là 12 tháng.

Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Đại diện Ngân hàng xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

Các bị cáo tại phiên tòa

Ngày 20/12/2007, ĐAB ký Hợp đồng ký thác và quản lý tài khoản để bảo đảm cho TTC về khả năng hoàn trả 100 triệu USD và lãi tương ứng cho VNL và VIHL khi chấm dứt Hợp đồng mà TTC không có khả năng thu xếp đủ nguồn vốn để hoàn trả số tiền này cho VNL và VIHL.Được sự đồng ý của VNL và VIHL, ĐAB đã giải ngân 100 triệu USD (tương đương 1.602,2 tỷ đồng) để Công ty CP vốn Thái Thịnh sử dụng.

Ngày 08/12/2008, Hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên hết hạn, VNL và VIHL không gia hạn hợp đồng và yêu cầu Công ty CP vốn Thái Thịnh hoàn trả 100 triệu USD. Công ty CP vốn Thái Thịnh lúc này không có khả năng trả nợ.

Để bảo đảm hoàn trả USD cho VNL và VIHL, Trần Phương Bình chỉ đạo ĐAB cho Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Bách Việt và 5 cá nhân gồm Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Trân, Nguyễn Hưng Quốc và Phạm Văn Tân vay 10 khoản tổng số 1.671,6 tỷ đồng. Bình cho xuất chi để sử dụng 1.508 tỷ đồng để mua lại 05 tài sản của Nhóm Công ty CP vốn Thái Thịnh; 101 tỷ đồng để Bình mua 11.430.080 cổ phần ĐAB đứng tên Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc; 62 tỷ đồng sử dụng cá nhân.Quá trình trả nợ cho các khoản vay nêu trên, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống tổng số 1.072 tỷ đồng.

Theo luật sư Tám, Công ty CP vốn Thái Thịnh có quan hệ tốt đẹp với DAB từ năm 2007. Việc  thông qua DBA để vay 100 triệu USD là để mua cổ phần với các điều khoản ngặt nghèo. Do khủng hoảng 2008 dẫn đến Công ty lâm cảnh nợ nần. Công ty trả nợ hơn 900 tỷ, đến nay là hơn 2200 tỷ đồng. Phía công ty đã phát sinh tranh chấp kinh tế và đến nay đã có một số bản án. HĐXX đề nghị luật sư cung cấp các bản án kinh tế liên quan đến hai công ty này.

Theo luật sư Tám, Công ty CP Thái Thịnh được khởi kiện trong vụ án khác để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Bảo vệ quyền và lợi ích cho nhóm 5 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Trân, Nguyễn Hưng Quốc, Phạm Văn Tân trong vụ việc nêu trên, luật sư cho rằng việc vay tiền là hết sức bình thường về hồ sơ, thủ tục… Nhân viên ngân hàng gọi điện cho họ đến vay vốn, các hồ sơ vay do phía Ngân hàng thẩm định và đều có tài sản thế chấp, các khoản vay đều tất toán, không gây thiệt hại. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét.

Trong phiên tòa chiều 12/12, đại diện DAB khi bổ sung việc tranh luận có nêu quan điểm “mong muốn HĐXX ghi nhận thời gian công sức các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Đông Á như một tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo”. Tuy nhiên, HĐXX đã nhắc: “Ngân hàng là nguyên đơn dân sự không có quyền yêu cầu giảm nhẹ hình phạt”.

Kết thúc phiên xử chiều nay, HĐXX thông báo sáng 13/12, đại diện VKSND Tp. Hồ Chí Minh sẽ đối đáp lại với các luận cứ bào chữa, bảo vệ của các luật sư cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Đại diện Ngân hàng xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo