Sau gần 1 ngày công bố cáo trạng của đại diện VKS, cuối chiều 21/12, HĐXX đã bước vào phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Cựu Bí thư Trần Đình Thành: "Nhận tiền mang đi làm công tác từ thiện xã hội"
Theo đó, là người trả lời đầu tiên các câu hỏi trước HĐXX, bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai nói quen bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC từ năm 2003, khi ông đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này. Trong chuyến ra Hà Nội năm đó, phía Công ty AIC mời 2 bên gặp gỡ. Đó là lần đầu tiên ông Thành biết bà Nhàn và AIC.
Còn trong lần gặp bà Nhàn tại tỉnh Đồng Nai, bị cáo Thành khai đó là dịp bà Nhàn về tỉnh này công tác và mời lãnh đạo các sở, ngành đến ăn cơm, trong đó có ông Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, giám đốc Sở Y tế tỉnh này). Hôm đó, ông Thành đã giới thiệu AIC và Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn với mục đích doanh nghiệp về địa phương đầu tư, mong muốn được các đơn vị ủng hộ với phương châm "Chính quyền Đồng Nai đồng hành cùng doanh nghiệp".
Khi chủ tọa yêu cầu khai về mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cáo Thành cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc, bị cáo thấy bà Nhàn là người hiểu biết, có quan hệ rộng rãi với nhiều địa phương và cơ quan Trung ương, cũng như đối tác nước ngoài.
Theo cựu Bí thư Trần Đình Thành, bản thân bị cáo rất tin tưởng vào năng lực của Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn khi doanh nghiệp này tham gia đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng không ngờ sự việc lại có kết cục như ngày hôm nay, bị cáo Thành nói: "Với tư cách là người đứng đầu của tỉnh, tôi cũng rất lo lắng khi đây là dự án lớn, lại là dự án xây dựng nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Khi gặp bà Nhàn tôi có nói, tỉnh có làm dự án này nhưng thiếu vốn và đề nghị bà Nhàn chủ động xem xét".
"Bị cáo đã nhận tiền bà Nhàn ở đâu?", trả lời câu hỏi này của Chủ tọa, bị cáo Thành khai, nhận 6 lần (trong đó 2 lần nhận tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai và 4 lần tại Công ty AIC). Tổng số tiền nhận là 14,5 tỷ đồng.
Cựu Bí thư Đồng Nai trình bày thêm, số tiền này bị cáo không nhận ngay một lúc mà nhận trong nhiều năm. Sau khi nhận, bị cáo Thành tặng một số hộ nghèo, người nhiễm chất độc hóa học màu da cam và làm công tác từ thiện xã hội. Đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, bị cáo Thành đã nộp lại toàn bộ.
Khép lại phần xét hỏi của mình, cựu Bí thư Trần Đình Thành thừa nhận hành vi “Nhận hối lộ” do Viện KSNDTC truy tố là đúng. "Sau năm 50 năm hoạt động, cuối đời không ngờ bị cáo lại mắc một sai lầm như vậy”, bị cáo Thành buồn bã nói.
Cựu Chủ tịch Đinh Quốc Thái: "Bị cáo thấy việc nhận tiền như thế là sai"
Tiếp tục ở phần xét hỏi, bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cho biết, bản thân bị cáo quen biết bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) thông qua ông Trần Đình Thành giới thiệu. Quá trình gặp mặt, ông Thái được bà Nhàn thông tin sắp tới Công ty AIC sẽ triển khai một số dự án tại Đồng Nai.
Về việc nhận tiền, bị cáo Thái khai nhận tổng cộng 14 lần từ bà Nhàn và dàn cán bộ nhân viên của Công ty AIC, tổng số tiền nhận 14,5 tỷ đồng. Bị cao Thái nói: “Bị cáo thấy việc nhận tiền như thế là sai, Viện kiểm sát truy tố về tội Nhận hối lộ là đúng. Sau khi vụ việc phát giác, bị cáo cũng đã kịp thời giao nộp lại toàn bộ cho cơ quan điều tra”.
Được chủ toạ gọi đứng dậy đối chất, vợ bị cáo Thái cho biết, chồng bà nhiều lần cho tiền, song bà không quan tâm đến nguồn gốc số tiền đó từ đâu. Sau khi nhận tiền từ chồng, bà đã chuyển một phần phục vụ việc đóng tiền cho con đang du học ở nước ngoài.
Các cựu cán bộ của AIC nói gì khi được đối chất tại phiên toà?
Cũng trong phần xét bỏi, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) cho biết, bản thân vào làm việc ở Công ty AIC từ ngày 4/1/2005 – 1/10/2015, từ khi vào làm việc bị cáo làm Trưởng phòng Du lịch, sau đó là Trưởng phòng quan hệ quốc tế, tiếp đó là Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC. Từ năm 2011, bị cáo là Trưởng ban Quản lý dự án 1 phụ trách khu vực phía Nam. Thời gian này, AIC thành lập công ty con là TCI, bị cáo là Giám đốc công ty.
Liên quan đến Quy trình dự án 70 bước, bị cáo Nga nói rõ: “không biết quy trình này, thực chất không phải là của AIC hay TCI. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã nói rõ là không phải của TCI”.
Theo lời khai của bị cáo Nga, bản thân trong công ty AIC có 6 bị cáo trước là nhân viên thuộc quyền điều hành của bị cáo, các bị cáo đó cũng không biết điều này. Tuy nhiên, HĐXX đã cho các bị cáo khác là cựu nhân viên AIC đối chất ngay tại tòa.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ cho biết khi làm việc tại Công ty TCI, bị cáo cũng đã đọc qua quy trình này. Nội dung quy trình là quy trình hướng dẫn để triển khai dự án cho nhân viên hiểu.
Bị cáo Hoàng Thế Quỳnh cũng nói rõ quy trình 70 bước của Công ty AIC là để tiến hành làm dự án, phối hợp với các phòng ban với nhau.
Các bị cáo khác cho biết đã từng nghe, nhưng công việc không liên quan nhiều, nên cũng không nhớ nội dung.
Trước những lời khai nêu trên của các bị cáo là nhân viên Công ty AIC, bị cáo Nga cho rằng, quá trình điều tra vụ án này diễn ra rất nhanh, nên cũng chưa xác định được đâu là hành vi kinh doanh thông thường, đâu là hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi HĐXX vừa hỏi, theo bị cáo Nga, có hành vi bị cáo xác nhận đó là việc bị cáo phải làm ở AIC nhưng cũng có những hành vi chỉ là kinh doanh thông thường mà một cán bộ quản lý phải làm.
Phiên toà sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (22/12/2022).