Đại diện C03 (Bộ Công an) khẳng định, việc đề nghị truy tố đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đảm bảo theo quy định pháp luật, chất lượng điều tra đã được nâng lên, không chỉ dựa vào lời khai của bị can mà còn thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh”.
Chiều 19/12, tại cuộc họp báo thông tin tình hình, kết quả công tác Công an năm 2022 do Bộ Công an tổ chức, đại diện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã giải đáp một số vấn đề báo chí quan tâm liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Thông tin về quá trình điều tra liên quan đến vụ án trên, đại diện Cục C03 Bộ Công an cho biết, hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp truy bắt đối với cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm bị can bỏ trốn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác đang bỏ trốn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố. Việc không thu thập được lời khai của nhóm bị can này liệu có ảnh hưởng gì tới kết quả điều tra, xét xử? Đại diện CO3 cho biết, cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố, trong đó tám người bỏ trốn.
“Việc đề nghị truy tố đảm bảo theo quy định pháp luật và cũng cho thấy chất lượng điều tra đã được nâng lên, không chỉ dựa vào lời khai của bị can mà còn thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh” – đại diện C03 khẳng định.
Trước đó, liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và truy nã 08 bị can về hành vi phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, 8 bị can gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Trần Mạnh Hà (SN 1971), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Đỗ Văn Sơn (SN 1977), Nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Nguyễn Thị Sen (SN 1984), Nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích (SN 1962), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh (SN 1965), Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết (SN 1970), Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh (SN 1982), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu các bị can đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nếu tiếp tục bỏ trốn, Cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.