Xét xử trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay và sau này

Mạnh Hùng| 30/11/2021 20:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để thực hiện tốt công tác xét xử trực tuyến thì đòi hỏi hệ thống Tòa án cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.

76f09835-0a3f-46eb-8e5f-7c2573bb09e0.jpeg
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong điều kiện như vậy đòi hỏi hệ thống Tòa án cũng cần có những giải pháp phù hợp để tăng cường công tác giải quyết các vụ án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Và phương án xét xử trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Thời gian qua, TANDTC đã có dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để kịp thời đáp ứng với yêu cầu thực tiễn cũng như bắt kịp với xu thế quốc tế trong thời đại công nghệ.

Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện điện tử

Qua theo dõi diễn biến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, theo Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, cơ sở vật chất, con người hiện có và được sự đầu tư hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, kỹ thuật thì Tòa án các cấp hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện việc xét xử trực tuyến nếu được Quốc hội thông qua.

“Nhìn chung nhận thức của lãnh đạo và các thẩm phán, thư ký đều có quyết tâm chính trị cao khi có chủ trương triển khai việc xét xử trực tuyến”, Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến là vấn đề mới khác với việc xét xử truyền thống từ nhiều năm nay, nên theo quan điểm của Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta nên thực hiện đối với các vụ án hình sự rõ ràng chứng cứ, ít người tham gia tố tụng, ít điểm cầu (từ 02 đến 03 điểm cầu).

Nói đến trực tuyến, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt trong quá trình xét xử trực tuyến, việc đảm bảo kết nối liên thông, đảm bảo tín hiệu đường truyền là một yếu tố rất quan trọng.

Vì vậy để xét xử trực tuyến một cách tốt nhất, Chánh án quận Hoàn Kiếm Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tới việc chuẩn bị tốt về hạ tầng đường truyền, thiết bị đầu cuối, thiết bị ghi âm, ghi hình để làm tài liệu, chứng cứ lưu trữ; đào tạo bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ thẩm phán, thư ký…

224111c0-15be-42f3-b516-513c5757b21e.jpeg
Đồng chí Bùi Quang Trung, Chánh án TAND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội

Cũng theo Thẩm phán Bùi Quang Trung, Chánh án TAND huyện Gia Lâm (Hà Nội), để thực hiện tốt công tác xét xử trực tuyến thì đòi hỏi hệ thống Tòa án cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện kỹ thuật để đáp ứng tốt nhất về âm thanh và hình ảnh cho các phiên tòa. Hiện nay, trong hệ thống Tòa án đường truyền trực tuyến đã được kết nối đến các Tòa án cấp huyện trên toàn quốc để phục vụ công tác tập huấn và các hoạt động khác của hệ thống Tòa án.

Tuy nhiên, để tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Bùi Quang Trung cho rằng cần phải xây dựng hệ thống đường truyền mạng cho không quá 3 điểm cầu thành phần đảm bảo sự kết nối tốt nhất, không bị gián đoạn; chuẩn bị các phương tiện điện tử để ghi hình, ghi âm, màn hình trình chiếu đảm bảo rõ nét. Từ đó, mới đảm bảo các phiên tòa đạt chất lượng theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Việc xét xử trực tuyến vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật

Theo Chánh án TAND huyện Gia Lâm, tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và cũng nằm trong lộ trình xây dựng Toà án điện tử, việc phải sớm tổ chức xét xử trực tuyến với nhiều loại án khác nhau cũng là cam kết của Tòa án nhân dân tối cao với các tổ chức tòa án quốc tế.

“Phiên tòa xét xử trực tuyến không hề ảnh hưởng gì đến chất lượng xét xử cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên. Việc thực hiện xét xử trực tuyến (do ở xa, dịch bệnh, tội phạm nguy hiểm…) vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng”, Chánh án TAND huyện Gia Lâm phân tích.

Các thủ tục tố tụng vẫn được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Bản án, quyết định được tuyên vẫn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quá trình tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở các quy định của pháp luật vẫn đảm bảo sự công bằng, khách quan. “Nếu làm được thì đáp ứng thực tiễn hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp khó lường như hiện nay”, Chánh án Bùi Quang Trung nói.

Theo quan điểm chung của các vị Chánh án, trước hết cần áp dụng thí điểm xét xử trực tuyến đối với một số vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án ở một số địa bàn có đủ điều kiện xét xử trực tuyến, có sơ tổng kết rồi áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống Tòa án. Với tinh thần đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ lựa chọn một số đơn vị điển hình có đủ các điều kiện cần thiết để quyết định áp dụng việc xét xử trực tuyến; qua đó, từng bước hỗ trợ hướng dẫn cho các đơn vị còn khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện để rút kinh nghiệm chung.

Về tâm lý chung, các Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, chỉn chu hơn khi lên hình; qua đó, chất lượng các phiên tòa sẽ ngày càng được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, theo mong mỏi từ Chánh án TAND huyện Gia Lâm Bùi Quang Trung, để đảm bảo việc xét xử trực tuyến hợp pháp và hợp hiến thì Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thủ tục xét xử trực tuyến trong khi chưa bổ sung, sửa đổi các Bộ luật Tố tụng và Luật Tố tụng.

Theo quan điểm của Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm, những bất cập, khó khăn của việc xét xử trực tuyến như vấn đề kỹ thuật, cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự nếu áp dụng việc xét xử trực tuyến đều có thể khắc phục được và việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn, đảm bảo quyền con người, quyền công dân do xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định nên áp dụng thí điểm một thời gian.

Được biết, xét xử trực tuyến mặc dù là cần thiết và là xu thế, nhưng các nhà chuyên môn và dư luận vẫn có những lo ngại về chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân.

Về nội dung này, TAND huyện Gia Lâm khẳng định: “Việc xét xử trực tuyến vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung; thậm chí, việc tranh tụng tại phiên tòa sẽ được Thẩm phán thể hiện tốt hơn, nâng cao hơn, chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân sẽ được bảo đảm công bằng, khách quan và đúng pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay và sau này