Trước Đề án xét xử trực tuyến và dự thảo Quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến ban hành kèm theo Thông tư của Chánh án TANDTC, Thẩm phán Bùi Tiến Trung, Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) cho rằng: “Xét xử trực tuyến” sớm là một mô hình được đưa vào áp dụng trong hệ thống Tòa án nước ta với những ưu việt và xu thế của thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Theo đó, Đề án xét xử trực tuyến và dự thảo Quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến ban hành kèm theo Thông tư của Chánh án TANDTC đã được nghiên cứu tương đối toàn diện cả về căn cứ pháp lý, thực tiễn trong và ngoài nước, đã được đưa ra lấy ý kiến của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhận được nhiều đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia,… Trao đổi về vấn đề này, PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Bùi Tiến Trung, Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng.
PV: Thưa Chánh án, TANDTC đang dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để kịp thời đáp ứng với yêu cầu thực tiễn cũng như bắt kịp với xu thế quốc tế trong thời đại công nghệ. Vậy, theo Chánh án, Tòa án các cấp cần chuẩn bị phương tiện kỹ thuật như thế nào để đáp ứng cho các phiên tòa xét xử trực tuyến?
Chánh án Bùi Tiến Trung: Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có việc tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến là xu thế mới mà hiện nhiều quốc gia văn minh trên thế giới đã bắt đầu đưa vào thực hiện. Trước khi đại dịch Covid-2019 xảy ra trên toàn cầu, vào tháng 8/ 2017 Tòa án trực tuyến Trung Quốc đã được thành lập đầu tiên tại thành phố Hàng Châu. Sau đó, toà án tương tự được thành lập ở Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 9/2018.
Trên thế giới, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ (như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore…) đều chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Trong đại dịch covid-19 vừa qua, vào tháng 5/2020 giải pháp xét xử trực tuyến đã được áp dụng tại các Tòa hình sự London và Tòa án Hình sự Wales; Ở nước Mỹ được áp dụng vào ngày 11/8/2020 tại bang Texas trước khi dần được áp dụng tại các bang khác như Arizona, California, Columbia...
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, nếu không tận dụng và áp dụng vào hoạt động tư pháp nói chung và tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nói riêng là chưa thấy hết được các lợi ích và phí đi cơ hội bắt kịp nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ của thế giới mà trong đó Việt Nam đang tham gia hết sức tích cực.
Tại Việt Nam, các đạo luật về tố tụng tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cũng đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến. Thí dụ qui định ở các điều 99, 107, 223, 250... BLTTHS năm 2015; Các điều 176, 190, 191... BLTTDS năm 2015; Các điều 119, 120, 121... LTTHC năm 2015.
Đây cũng là cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng internet trong nhiều năm qua của nước ta và có tỷ lệ dân số sử dụng internet hàng đầu thế giới, thì chúng ta hoàn toàn đủ khả năng xây dựng và tổ chức các phiên tòa, phiên họp trực tuyến để bắt kịp với nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ của các nước hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng được mô hình xét xử trực tuyến thì không thể thoát ly được hạ tầng về kỹ thuật và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cùng con người biết sử dụng nó thành thục. Đó là chúng ta phải có đường truyền (mạng viễn thông) mạnh, sạch, an toàn, các trang thiết bị điện tử như máy tính, máy in, máy chiếu, màn chiếu, âm thanh, ánh sáng…đồng bộ, tương thích và đủ mạnh cùng với những con người biết làm chủ và sử dụng chúng một cách thành thục.
Chính vì vậy, con người sẽ quyết định rất lớn sự thành bại của mô hình. Do đó không nhất thiết phải dàn trải Thẩm phán, Thư ký nào cũng tham gia mô hình này. Cần có chọn lọc, có thể thành lập riêng một bộ phận (hoặc một tòa riêng năm trong Tòa án để chuyên xét xử trực tuyến). Đã là xét xử trực tuyến thì đường truyền phải mạnh, ổn định và được bảo mật an ninh tốt. Nếu không thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng phiên tòa, phiên họp.
PV: Xét xử trực tuyến bản chất là áp dụng công nghệ trong xét xử, đây là hình thức mới đối với Tòa án các cấp. Theo Chánh án, cần chuẩn bị và tập huấn nghiệp vụ cho Tòa án các cấp cùng với các lực lượng liên quan như thế nào để trong quá trình xét xử đáp ứng được yêu cầu đề ra là đảm bảo sự tôn nghiêm và công bằng?
Chánh án Bùi Tiến Trung: Trên thực tế, thời gian qua đã có một số tòa án (đặc biệt là các tòa án cấp tỉnh tại một số địa phương lớn), khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử các vụ án về tham nhũng, xâm hại tình dục và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng, đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử. Đây cũng chính là tiền đề của mô hình xét xử trực tuyến.
Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường (trực tiếp) và xét xử trực tuyến là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian với nhau. Tuy nhiên việc xét xử trực tuyến vẫn phải đảm bảo đúng các quy định về tố tụng Hình sự, Dân sự và Hành chính theo các vụ việc tương ứng.
Bên cạnh đó, xét xử trực tuyến là việc áp dụng và ứng dụng thuần thục công nghệ vào trong việc xét xử, nên yếu tố con người cũng là then chốt. Không thể để một Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên không hiểu và biết sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa, phiên họp trực tuyến (ít nhất mức hiểu biết là sơ bộ) tham gia tố tụng được. Ngoài ra phải có người có kỹ thuật thường trực xử lý tình huống về thiết bị liên quan đến đường truyền viễn thông (đây nên là con người biên chế riêng về kỹ thuật IT), cũng như các thiết bị khác phục vụ phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Do vậy cần có sự tập huấn, hướng dẫn sử dụng thông thường các trang thiết bị phục vụ phiên tòa, phiên họp trực tuyến cho những người trực tiếp tham gia như Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên. Đặc biệt là Thẩm phán và Thư ký.
PV: Xin Chánh án cho biết, việc xét xử trực tuyến sẽ mang lại những ưu điểm gì so với xét xử trực tiếp như thế nào? Điều đó tác động ra sao tới quá trình nâng cao chất lượng và đổi mới công tác xét xử trong tương lai?
Chánh án Bùi Tiến Trung: Như ở 2 câu trả lời phía trên, tôi đã phần nào nêu về những ưu điểm và xu thế cần thiết thực hiện mô hình, hình thức xét xử trực tuyến. Khi xét xử trực tuyến thì những người tham gia phiên tòa, phiên họp (trừ Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác. Thậm chí có thể cả những người đó hoặc những người chủ trì phiên họp) không ở cùng một địa điểm và không gian với nhau. Điều này tiết kiệm được rất nhiều tiền của, công sức đi lại và cả sự an toàn khi phải tập trung đến một địa điểm cố định để tham gia phiên tòa, phiên họp trực tiếp như thông thường.
Đặc biệt khi có dịch bệnh lan tràn như đại dịch Covid-19 hiện nay. Chúng ta còn nhớ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua ở nước ta đã làm ngưng trệ mọi hoạt động, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án. Nên nếu hình thức xét xử trực tuyến này được áp dụng thì sẽ có nhiều lợi ích lớn.
Thí dụ: nếu chúng ta xét xử một vụ án hình sự thông thường không quá phức tạp, chúng ta không cần phải trích xuất các bị cáo ra khỏi nơi giam, giữ để đến tham gia phiên xét xử. Chúng ta vẫn bảo đảm quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của bị cáo mà lại tiết kiệm được nhiều chi phí như trích xuất, dẫn giải, công tác bảo đảm an ninh tại phiên tòa, bảo đảm thời hạn xét xử…
Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn đối với hình thức xét xử trực tiếp được. Mà chỉ nên quy định ở một số trường hợp cụ thể. Cái này đòi hỏi phải được nghiên cứu phù hợp. Chính vì vậy theo tôi mô hình này nên thử nghiệm và từng bước đưa vào chính thức với những hành lang pháp lý chặt chẽ.
Việc sử dụng hình thức xét xử trực tuyến vào một số vụ án theo tố tụng hình sự, dân sự, hành chính… vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục, trong đó có nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói. Tuy nhiên, do đặc điểm phiên tòa xét xử vụ án hình sự và vụ việc dân sự, hành chính bằng hình thức trực tuyến là thông qua một đường truyền (mạng viễn thông), nên các yêu cầu hết sức quan trọng là về hạ tầng kỹ thuật của hệ thống đường truyền phải mạnh, sạch, an toàn. Năng lực những người tiến hành tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng phải được nâng cao.
Các yếu tố pháp lý, trình tự trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa là những vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết, do rất có thể nhiều người trong nước (thậm chí cả nước ngoài) đều trực tiếp theo dõi. Bên cạnh đó việc ứng dụng và sử dụng được tốt các trang thiết bị hiện đại trong quá trình xét xử trực tiếp của những người tiến hành tố tụng là điều không thể thiếu. Như vậy đồng nghĩa đòi hỏi những người tiến hành tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động học hỏi để từng bước nâng cao năng lực của mình về tất cả các mặt chuyên môn nghiệp vụ và làm chủ công nghệ.
PV: Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, xét xử trực tuyến là hình thức mới, trước hết cần áp dụng thí điểm với một số vụ án dân sự, hành chính, thương mại. Với tư tưởng đó, theo Chánh án, Tòa án tối cao và Tòa án các cấp cần thể hiện sự phối hợp như thế nào trong Quy chế?
Chánh án Bùi Tiến Trung: Mô hình xét xử trực tuyến là mô hình ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị cũng như Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TANDTC ngày 10/6/2021 của TANDTC.
Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương mới đây Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; “Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến tại Toà án” do Ban Cán sự Đảng TANDTC trình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận, nêu rõ:
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt là cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng phải thực hiện đúng Hiến pháp và yêu cầu của công việc, của người thực thi, bảo đảm tính khả thi phải cao, sát thực tiễn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, dịch COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện cam kết với quốc tế, đồng thời không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất, trước hết phương án áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Theo tôi, TANDTC và Tòa án các cấp cần thể hiện sự phối hợp hết sức chặt chẽ, nhưng linh hoạt trong xây dựng dự thảo Quy chế với nhiều hình thức, thành phần tham gia đóng góp. Đặc biệt là ý kiến của các đơn vị, cá nhân trong toàn hệ thống Tòa án, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như Liên đoàn Luật sư. Yêu cầu phải xây dựng được Quy chế mang tính tổng quát, nhưng lại tương đối cụ thể, chi tiết và đặc biệt không trái với quy định căn bản của tố tụng, phù hợp với năng lực công nghệ thông tin thực tế của nước ta.
PV: Xét xử trực tuyến mặc dù là cần thiết và là xu thế, nhưng các nhà chuyên môn và dư luận vẫn có những lo ngại về chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân. Chánh án có thể chia sẻ thêm về điều này?
Chánh án Bùi Tiến Trung: Đúng vậy! Đã là mô hình mới sẽ không tránh khỏi có những sai sót, thậm chí ở khía cạnh nào đó chưa phù hợp hoặc chưa thật đúng với hệ thống tố tụng về hình sự, dân sự và hành chính. Bởi lẽ chúng ta chưa thể phát hiện ra, mà nó chỉ nảy sinh trong thực tế quá trình áp dụng mô hình đó. Điều cần thiết là chúng ta cần sớm phát hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, cho đúng. Còn quan điểm của tôi là không được xây dựng mô hình khi nhìn thấy được ngay những sai sót, vi phạm hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân. Mà chắc chắn chúng ta sẽ không như thế khi xây dựng và thực hiện mô hình này!
Tôi tin và hy vọng “Xét xử trực tuyến” sớm là một mô hình được đưa vào áp dụng trong hệ thống Tòa án nước ta với những ưu việt và xu thế của thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!