Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị bác kháng cáo

Văn Vũ| 29/05/2018 19:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (29/5), TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và bị cáo Võ Anh Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, tranh tụng tại phiên tòa, các Luật sư bảo vệ cho VietinBank cho rằng, qua phần thẩm vấn, tranh luận và hồ sơ vụ án, tại tòa sơ thẩm, 4 công ty đã có đơn kháng cáo là Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (Công ty SBBS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (Công ty ORS), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc (Công ty An Lộc) yêu cầu VietinBank phải bồi thường và VietinBank đã có những ý kiến. Bản án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dân sự và tuyên Huyền Như phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho 4 công ty 885 tỷ đồng.

Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị bác kháng cáo

Bị cáo Võ Tuấn Anh nói lời sau cùng

Tại phiên tòa, các Luật sư bảo vệ cho 4 công ty yêu cầu xét xử VietinBank chịu trách nhiệm liên đới với các bị cáo bồi thường cho 4 công ty. Về phần này, các Luật sư bảo vệ cho VietinBank cho rằng, nói rằng VietinBank liên đới với bị cáo là không chính xác vì chỉ có bị cáo Như có trách nhiệm dân sự bồi thường như án sơ thẩm đã tuyên.

Ngoài ra, các Luật sư bảo vệ cho VietinBank tranh luận rằng, các căn cứ pháp lý mà các công ty viện dẫn tại đơn kháng cáo để buộc VietinBank bồi thường là không thể chấp nhận vì không phù hợp với sự thật và tình tiết khách quan của vụ án.

Sau khi nêu và phân tích các căn cứ pháp lý mà các công ty viện dẫn để buộc VietinBank bồi thường, các Luật sư bảo vệ cho VietinBank cho rằng, trong vụ án này, VietinBank không chỉ đạo Như thực hiện huy động lãi suất vượt trần. Bản thân bị cáo Như đã thực hiện hành vi lừa đảo, đó là hành vi bất hợp pháp. VietinBank không thể chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của Như.

Về thực hiện nghĩa vụ liên đới, Điều 288, 275 Bộ Luật dân sự quy định về nghĩa vụ liên đới. Trong vụ án này không có sự thoả thuận nào giữa Như, VietinBank và các công ty về trách nhiệm liên đới. Tư cách VietinBank được triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, không phải là bị đơn dân sự.

Vì sao các công ty bị mất số tiền 885 tỷ đồng? Hồ sơ vụ án đã cho thấy, để bị mất số tiền là một chuỗi hành vi bị cáo Như thực hiện. Tội lừa đảo là tội có ý thức, có sự cố ý và chuẩn bị, thủ đoạn tinh vi và trải qua nhiều giai đoạn. Ý thức lừa đảo của Như đã rất rõ ràng. Không có một nội dung nào trong hồ sơ vụ án là Như có ý thức chiếm đoạt tiền của VietinBank.

Chuỗi hành vi này bắt đầu từ cuộc gặp gỡ bên ngoài trụ sở, tại quán cà phê, VietinBank cũng không giao cho Như thực hiện hành vi này. Việc chiếm đoạt này có được từ sự cả tin và lỗi của các công ty trong việc quản lý tiền bạc của mình. Hồ sơ vụ án và lời khai của Như, Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, bẫy lãi suất, con dấu giả, chữ ký giả. Sự giả mạo tài liệu như vậy, nếu người tham gia có quan tâm, chính các công ty đã bỏ qua các quy định, trong khi pháp luật đã có quy định để tránh bị lừa đảo… Rõ ràng là thiếu sự cẩn thận, quan tâm đúng mực của các công ty theo đúng quy định pháp luật.

Các Luật sư bảo vệ VietinBank khẳng định rằng, chính bẫy lãi suất đã làm cho người tham gia giao dịch bỏ qua các vấn đề pháp luật đã quy định. Trong vụ án này, bắt nguồn đều từ chính bẫy lãi suất vượt trần. Lời khai của Như là lãi suất từ 24-26% và có thanh toán thêm cho người môi giới… đã dẫn dụ các công ty gửi tiền vào tài khoản VietinBank và từ đó Như đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt. Trong khi số tiền đó nếu giao cho VietinBank theo đúng huy động vốn như quy định thì làm sao có lãi lên đến 24-25%. Cho nên vì tham lãi suất, các công ty để tiền vuột khỏi tay và chuyển sang tay người gian dối nghĩa là thời điểm lừa đảo đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, những lỗi thiếu sót của các công ty là nguyên nhân giúp cho Như chiếm đoạt tiền, giao dịch trực tiếp với Như bên ngoài trụ sở VietinBank.

Sau khi viện dẫn các chứng cứ trong hồ sơ và phân tích dựa trên căn cứ pháp luật, các Luật sư bảo vệ cho VietinBank đồng ý với quan điểm của đại diện VKS và bản án sơ thẩm trước đó.

Đối đáp lại phần tranh tụng của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, quan điểm của VietinBank phù hợp với quan điểm của VKS nên VKS không cần đối đáp. VKS xin đối đáp các ý kiến của nguyên đơn dân sự.

Đại diện VKS cho rằng, Như vì thua lỗ nên đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tiền của 4 công ty. Bị cáo Như dùng nhiều thủ đoạn gian dối để tạo niềm tin cho các bên. Sau khi số tiền chuyển vào tài khoản của VietinBank, Như đã giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt. Cụ thể, bị cáo Như cũng giả danh tên Quyên – nhân viên VietinBank chi nhánh Nhà Bè và được sự giúp sức của bị cáo Tuấn.

Tại phiên tòa, Như khai nhận, Như đã gian dối dùng bẫy lãi suất cao để lừa dối các công ty. Như đã làm giả con dấu, làm giả các hợp đồng. Như vậy, chúng ta đã xác định được việc Như thực hiện chuỗi hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoạt của các công ty này. Các công ty này cũng không theo dõi dòng tiền trong tài khoản, bỏ mặc tài khoản. Cũng không ký kết hợp đồng tại ngân hàng, nằm ngoài phạm vi của ngân hàng. Từ sơ hở này, bị cáo Như đã làm giả giấy tờ hợp đồng.

Vậy các công ty này được xác định là nguyên đơn dân sự, VietinBank có quyền và nghĩa vụ liên quan là chính xác. Và việc yêu cầu Như bồi thường cho 4 công ty trên là có căn cứ, nên không có cơ sở yêu cầu VietinBank bồi thường cho 4 công ty.

Về ý kiến của Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn dân sự cho rằng Huyền Như có dấu hiệu phạm tội tham ô. Đại diện VKS cho rằng, tại bản án phúc thẩm hủy một phần án sơ thẩm vì có dấu hiệu của tội tham ô. Nhưng trong quá trình điều tra là không có dấu hiệu tham ô mà là tội lừa đảo.

Luật sư cho rằng không thu thập thêm được chứng cứ nào, nhưng hồ sơ vụ án đã được làm rất rõ. Đối với ý kiến Luật sư, với giao dịch hợp đồng vô hiệu chuyển sang dân sự. VKS cho rằng không phù hợp. Đây rõ ràng là giao dịch dân sự có dấu hiệu hình sự của tội lừa đảo.

Sau khi đối đáp, đại diện VKS khẳng định: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm”.

Trong phần tranh luận lại, đại diện và các Luật sư (bảo vệ cho 4 nguyên đơn dân sự vẫn bảo lưu quan điểm đã tranh tụng trước đó.

Chiều nay, phiên tòa kết thúc phần tranh tụng. Các bị cáo được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, trước khi Tòa bước vào phần nghị án.

Ngày mai (30/5), Tòa sẽ tuyên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị bác kháng cáo