Đó là nhận định của vị đại diện VKSND tỉnh Bình Dương khi đề cập đến những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của ông Trần Minh Tâm, Điều tra viên Công an huyện Bến Cát.
Bác sĩ Nguyễn Văn Giáp (bìa trái) và xe tang vật trong vụ án
Quá trình lấy lời khai của các người làm chứng dưới 16 tuổi, ông Tâm đã phớt lờ Điều 135, BLTT. Bên cạnh đó, ông Tâm còn “phù phép” bằng lái xe giả biến thành giấy tờ “hợp pháp”, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm!
Ngày 17-5-2011, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Anh Tú (SN 1990, ngụ tại ấp 5, xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát) về tội “Đua xe trái phép”. Vụ án liên quan đến cái chết thương tâm của em Nguyễn Thanh Tài (SN 1990) với nhiều uẩn khúc, Cơ quan điều tra, VKS huyện Bến Cát chưa làm rõ đã kết luận nạn nhân chết do đua xe trái phép với Tú. Bản án sơ thẩm của TAND huyện Bến Cát tuyên phạt Tú 36 tháng tù về tội “Đua xe trái phép”.
Tối 12-11-2008, Tú khai đã chủ động rủ Nguyễn Thanh Tài đua xe, Tài chạy phía sau đâm vào đuôi pô xe Tú gây tai nạn. Kết luận của Công an cho rằng tốc độ đua xe từ 90 đến 100km/giờ; Tài “té lộn nhiều vòng”, tử vong. Tú không kháng cáo bản án sơ thẩm, riêng gia đình người bị hại tiếp tục khiếu nại Cơ quan điều tra và VKS huyện Bến Cát làm lệch hồ sơ vụ án ngay từ đầu, kết luận điều tra không khách quan, sai sự thật, vi phạm pháp luật tố tụng.
Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX cho cách ly người làm chứng khi xét hỏi. Các nhân chứng là nhóm bạn thân của bị cáo Tú tiếp tục khai mâu thuẫn về việc thoả thuận đua xe, tốc độ, đường đua… Nhân chứng Cao Thanh Tâm (không biết Tú và Tài) khai nhìn thấy xe Tài chạy trước xe Tú. Sau đó xe Tú vượt lên ép Tài té ngã. Một nhóm thanh nhiên ập đến vây quanh Tài. Anh Tâm nghe được tiếng kêu thảm thiết “ba ơi cứu con!”.
Sau đó, anh còn bị một đối tượng tại hiện trường đe doạ. Đặc biệt, qua xét hỏi cho thấy vụ án có 3 người làm chứng dưới 16 tuổi gồm Mai Văn Tấn, Nguyễn Thế Sơn, Huỳnh Minh Lập. Theo quy định, “khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự” (Điều 135, BLTTHS). Thế nhưng, Điều tra viên Trần Minh Tâm làm trái quy định, lấy lời khai các nhân chứng nhưng không có sự tham gia của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của nhân chứng.
Thậm chí, trong vụ án, khi ông Nguyễn Văn Liễu (cha bị cáo Tú) nộp một giấy phép lái xe (GPLX) giả mang tên bị cáo Tú nhưng vẫn được Điều tra viên cho rằng là GPLX “hợp pháp”. Tú khai đã mua, sử dụng bằng lái giả để đối phó với cảnh sát giao thông. Hành vi của Tú có dấu hiệu phạm tội “Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS nhưng Điều tra viên không xử lý. Điều đó càng khiến gia đình người bị hại Tài nghi ngờ Điều tra viên có tiêu cực, bỏ lọt tội phạm, không khách quan khi xử lý vụ án.
Trong phần tranh luận, vị đại diện VKSND tỉnh Bình Dương chỉ ra nhiều mâu thuẫn của bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm đã bác toàn bộ kết luận điều tra, cáo trạng của VKS thì căn cứ vào đâu để kết luận đây là vụ án đua xe trái phép do Tú thực hiện gây ra cái chết của Tài? Việc điều tra viên lấy lời khai nhân chứng dưới 16 tuổi, không có sự tham gia của cha mẹ hay thầy cô là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS, có nhiều điểm không bình thường trong bản lấy lời khai nhân chứng Mai Văn Tấn. Đại diện kiểm sát đánh giá hồ sơ vụ án có quá nhiều thiếu sót, đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
Các Luật sư Trần Hải Đức, Nguyễn Minh Tường (bảo vệ quyền lợi gia đình người bị hại) đã chỉ ra nhiều uẩn khúc, bất thường nhưng chưa được Cơ quan điều tra, VKS làm rõ. Cơ quan điều tra cho rằng Tài đua xe tốc độ 90-100km/giờ đâm vào xe Tú té ngã nhưng quần áo Tài vẫn nguyên vẹn? Xuất hiện trên đỉnh đầu một vết thương giống vết chém lại được bác sỹ pháp y Nguyễn Văn Giáp lý giải bằng cách suy luận chủ quan: Có khả năng do Tài bị té ngã lộn nhiều vòng làm đầu Tài va đập mạnh vào cạnh góc cánh bửng phía trên mặt trong bên trái xe môtô của Tài điều khiển tạo nên vết thương trên”(?).
Việc suy đoán chủ quan là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS. Các nhân chứng đều khai không thấy Tài “té ngã lộn nhiều vòng”. TAND huyện Bến Cát nhiều lần ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu giám định lại cơ chế hình thành vết thương nhưng Cơ quan điều tra phớt lờ. Vì vậy, cái chết của Tài vẫn là một ẩn số. Pháp luật không thể im lặng trước những cái chết chưa được làm sáng tỏ. Các luật sư đề nghị huỷ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương xử lý theo quy định vì đây là vụ án đặc biệt phức tạp.
Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên bố sẽ nghị án, đến ngày 24-5-2011, Toà sẽ tuyên án. Báo Công lý sẽ thông tin đến bạn đọc về vụ án này khi có diễn biến mới.
An Dương