Sau 2 ngày xét xử, chiều nay (18/8), TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên án với bị cáo Giang Kim Đạt và 3 đồng phạm trong vụ tham nhũng tại Cty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
Trước đó, vào ngày 22/2/2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt án tử hình đối với hai bị cáo Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt về cùng tội Tham ô tài sản. Xử phạt bị cáo Trần Văn Khương mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản; Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) 12 năm tù tội Rửa tiền. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 4 bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2006, Vinashinlines được thành lập theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Ngày 18/4/2006, bị can Liêm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc. Sau đó, Đạt được tiếp nhận vào công tác tại Phòng Khai thác 2 một thời gian ngắn rồi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đến năm 2008, Đạt lại được Liêm đưa về Vinashinlines và bổ nhiệm vị trí cố vấn cao cấp của Tổng Giám đốc rồi sau đó là quyền Trưởng phòng Kinh doanh.
Trong vòng 2 năm (2006 - 2008), Liêm và Đạt đã rút của Vinashinlines hàng trăm tỷ đồng từ việc trích tiền hoa hồng mua và cho thuê tàu. Cụ thể, các bị cáo đã chiếm đoạt tiền hoa hồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix hơn 711.000 USD và số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê 9 tàu biển hơn 15,2 triệu USD.
Ngoài ra, để bỏ túi riêng, Đạt còn nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi nhằm chiếm hưởng cá nhân. Số tiền này, Đạt thông đồng với Khương để ngoài sổ sách. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng (trong đó, Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Khương chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng và Đạt chiếm đoạt 255 tỷ đồng).
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe HĐXX tuyên án tại phiên tòa phúc thẩm cuối giờ chiều nay
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước để nhận và rút tiền hoa hồng. Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của bị cáo Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về.
Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền hơn 259 tỷ đồng. Bên cạnh số tiền trên, các công ty bán tàu còn nhiều lần chuyển số tiền tổng cộng hơn 1,3 triệu USD vào tài khoản bị can Hiển và số tiền 1 triệu USD vào tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Ngân (mẹ đẻ Đạt).
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, các bị cáo vẫn một mực kêu oan và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại cho các bị cáo.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo mức án và tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Theo đó, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên phạt Giang Kim Đạt (quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines), Trần Văn Khương (nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) cùng mức án tử hình tội Tham ô tài sản, Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) tù chung thân cùng tội danh. Với cáo buộc Rửa tiền, ông Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt) 12 năm tù.
Tòa phúc thẩm cũng xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án vẫn là Vinashin. Tổng công ty này đã cho Vinashinlines vay 48 triệu USD và gần 10 tỷ đồng, hiện nay phải gánh khoản nợ từ trước.
Với những người liên quan, một số tài sản nhà đất kê biên của vợ chồng bị cáo Hiển và con gái Giang Thu Vân, tòa phúc thẩm thấy, tiền do Đạt phạm tội mua mà có nên kê biên là chính xác.
Tòa phúc thẩm xét thấy, tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã được lấy lời khai, thể hiện Đạt được Liêm chỉ đạo khi giao dịch với đối tác mua tàu thì thỏa thuận hoa hồng. Chứng tỏ có sự thỏa thuận về tiền hoa hồng trước khi mua tàu và cho thuê tàu. Lời khai bị ép cung của Đạt là không có căn cứ. Nếu các bị cáo không có thỏa thuận, thì khoản tiền hoa hồng này vẫn phải đưa vào hạch toán thu nhập khác của Vinashinlines, theo quy định của pháp luật.
Hành vi của các bị cáo chiếm đoạt số tiền lớn là một trong các nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp Vinashinlines bị phá sản. Tòa cho rằng kháng cáo của Liêm không có cơ sở chấp nhận.
Theo tòa phúc thẩm, Đạt làm tại công ty trên cơ sở hợp đồng. Thậm chí Đạt còn giữ chức vụ quyền Trưởng phòng kinh doanh, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Vinashinlines. Hành vi của bị cáo là tích cực, chiếm hưởng số tiền lớn.
Ngoài hành vi tham ô, Đạt còn có hành vi cố ý làm trái trong việc mua con tàu Hoa Sen cùng với Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khai báo chưa thành khẩn, thể hiện bị cáo chưa ăn năn hối cải.
Cùng với phán quyết trên, cấp phúc thẩm cũng quyết định tiếp tục kê biên các tài sản (40 bất động sản, ô tô…) của Đạt, Hiển.