Sáng 27/12, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) kiêm Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm.
Các bị cáo bị xét xử về các tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Phạm Công Danh tại phiên xử sáng nay
Đề nghị triệu tập Chủ tịch Tân Hiệp Phát ra tòa
Đây là vụ án kinh tế được dư luận quan tâm vì số tiền thất thoát lên đến trên 9.000 tỷ đồng – lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử ngành ngân hàng.
Sau khi TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, có tổng cộng 25 bị cáo kháng cáo; 27 người có quyền lợi liên quan kháng cáo; Tòa triệu tập 135 người có quyền lợi liên quan nhưng chỉ có 55 người có mặt, 80 người vắng mặt không lý do.
Khi được hỏi ý kiến về việc những người vắng mặt, bị cáo Phạm Công Danh trình bày: “Tôi quan hệ với ông Trần Quý Thanh là chủ yếu, không quan hệ với bà Trần Ngọc Bích, tôi xin nêu nguyện vọng tha thiết là phải có mặt ông Thanh. Ngoài ra phải có mặt ông Luận, đại diện nhóm Phương Trang. Tôi không được khỏe, bị huyết áp cao nên xin tòa cho tôi nhờ luật sư trình bày”. Trước đó, Danh có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho Phạm Công Danh nêu ý kiến: “Chúng tôi thấy vắng mặt bà Phạm Thị Trang, tức Trang “Phố núi”. TAND cấp cao đã có giấy triệu tập và có văn bản ủy thác tư pháp tống đạt triệu tập bà Trang có mặt. Tuy nhiên, bà Trang vẫn vắng mặt. Trong giấy triệu tập, bà Trang vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vừa là người làm chứng. Do đó, điều kiện bắt buộc là Tòa phải cam kết không bắt giữ người làm chứng… Sự có mặt của bà Trang là vô cùng quan trọng để làm rõ những mối quan hệ giữa bị cáo Danh và nhóm Tân Hiệp Phát”.
Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn đề nghị Tòa triệu tập ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương vì có nhiều quan hệ với bị cáo Danh và bà Phấn; đề nghị Tòa triệu tập 13 người trong nhóm bà Phú Mỹ tham dự phiên tòa.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ cho nhóm bà Trần Ngọc Bích đề nghị triệu tập thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; đại diện Công ty E&Y, đồng thời lưu ý không gọi tên “nhóm Trần Quý Thanh” để tránh “hiểu lầm đáng tiếc”. Về việc này, luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho bị cáo Danh có đề nghị gọi tên nhóm ông Thanh là “nhóm Dr Thanh” hoặc “nhóm Tân Hiệp Phát”.
Băn khoăn của Luật sư
Về đề nghị của các bị cáo và luật sư, đại diện VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh nhận định: "Về việc triệu tập ông Trần Quý Thanh, ông này được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt và ủy quyền cho người thân; bà Trang xin vắng mặt có chứng nhận chữ ký của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các luật sư đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm, 13 người nhóm Phú Mỹ, về việc này, trong quá trình xét xử nếu thấy liên quan thì đề nghị HĐXX xem xét, quyết định".
Dẫn giải Phạm Công Danh sau thời gian nghỉ trưa
Sau khi đại diện VKS có ý kiến, HĐXX giới thiệu người tiến hành tố tụng, trong đó có thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên. Một luật sư bào chữa cho bị cáo Danh có ý kiến, khoảng 5 tháng trước, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh xét xử vụ án bị cáo Võ Văn Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát, trong đó thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên là chủ tọa phiên tòa.
Vị luật sư băn khoăn: "Trong vụ án Phạm Công Danh có liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát, thẩm phán Duyên được phân công là thành viên HĐXX, như vậy “liệu có đảm bảo sự khách quan”?
HĐXX tiến hành hội ý và nhận định: "Ý kiến của đại diện VKS là có căn cứ, HĐXX chấp nhận, tiếp tục tiến hành xét xử vụ án. Trong quá trình xử án, nếu thấy cần thiết thì sẽ tiến hành triệu tập những có liên quan; về “băn khoăn” liên quan đến thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên, luật sư không có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, vụ án luật sư đề cập không liên quan tới vụ án này, từ đó tòa không chấp nhận ý kiến của luật sư".
Đến 11 giờ 45 phút, phiên xử kết thúc, Phạm Công Danh và các đồng phạm được áp giải lên xe về trại giam. Danh vẫy chào người thân và nhiều nhân viên ngân hàng, trước khi leo lên xe, Danh còn tỏ ra “gương mẫu và trách nhiệm” tranh thủ dặn dò một nhân viên: “Cố gắng làm việc nhé em” (!?)
Chiều nay, HĐXX tiếp tục kiểm tra căn cước các bị cáo, người có quyền lợi liên quan, người làm chứng và các đương sự được tòa triệu tập. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ kéo dài đến ngày 25/1/2017.
Bản án sơ thẩm thể hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chủ trương phương án tái cơ cấu VNCB (tiền thân là TrustBank), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối ngân hàng này. Trong điều kiện VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước. Khi tiếp nhận VNCB, Phạm Công Danh không những không có phương án tái cơ cấu để vực dậy ngân hàng này mà ngược lại, đã liên tiếp mắc hàng loạt sai phạm, dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB ra để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho tập đoàn Thiên Thanh (do Danh làm Tổng Giám đốc). Cáo trạng xác định quá trình điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỉ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án (26-7-2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng số nợ phải trả là 38.255 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù, Phan Thành Mai 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn 9 năm tù. Có 23 bị cáo chịu án tù 3 năm đến 7 năm và 8 bị cáo được hưởng án treo. HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng gốc và lãi mà đối tượng này thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB; tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án. TAND Tp. Hồ Chí Minh còn khởi tố tại tòa đối với Trang “Phố núi” và nhóm bà Hứa Thị Phấn. |