Sáng nay (1/8), TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với phần đối đáp của VKS.
Theo đó, đại diện VKS đã thực hiện việc đối đáp với các quan điểm của các Luật sư và bị cáo tại phiên tòa.
Theo đại diện VKS, những vấn đề chứng cứ, tình tiết của 46 bị cáo đã được thẩm vấn và làm rõ tại phiên toà lần 1. Những vấn đề mà VKS tranh luận cũng đã trình bày đến lần thứ 3. Vì vậy những vấn đề mà VKS đã đối đáp sẽ không lặp lại.
Đối với những tranh tụng của các Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh nêu tại phiên tòa, qua phần luận tội, VKS đã chấp nhận bối cảnh mà ông Danh phạm tội và đề nghị mở rộng thêm hoàn cảnh, bối cảnh dẫn đến bị cáo Danh có những hành vi sai phạm về đề án tái cơ cấu VNCB. Đại diện VKS cho biết, VKS vẫn đánh giá khách quan, toàn diện để có lợi cho các bị cáo.
Theo đại diện VKS, bối cảnh mà Phạm Công Danh tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín thì ngân hàng đã trong hoàn cảnh yếu kém, thua lỗ... đây là một trong những khó khăn mà Phạm Công Danh phải gánh chịu.
Đại diện VKS tại phiên tòa
Bên cạnh đó, Phạm Công Danh chịu áp lực về thanh khoản, để duy trì thanh khoản ngân hàng thì phải vay với lãi suất cao, tăng vốn điều lệ. Đó là những áp lực mà bị cáo Danh phải chịu. Vì vậy, VKS rất thông cảm đối với các bị cáo.
VKS thừa nhận và xác nhận hầu hết những khoản tiền mà ông Danh chuyển ra khỏi VNCB từ 5 tỷ đồng trở lên đều có xin ý kiến của Tổ giám sát NHNN. Chúng tôi sẽ xem xét và đánh giá khách quan vấn đề này.
Bên cạnh đó, để xem xét trách nhiệm của những người ở Tổ giám sát thì VKS cũng đã khởi tố những người có liên quan để xét xử sang vụ án khác như ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN... Chúng tôi tiếp tục kiến nghị HĐXX khởi tố một số người có trách nhiệm liên quan, trong đó có cơ quan thanh tra giám sát NHNN để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
“VKS rất thông cảm cho ông Danh, nhưng việc làm trái quy định thì phải xử lý theo pháp luật”, đại diện VKS cho biết.
Vấn đề các Luật sư nêu rằng quan điểm của VKS trong phần luận tội cho rằng, bị cáo Phạm Công Danh “vì lợi ích cá nhân”.
Đại diện VKS cho biết, VNCB tiếp nhận từ Ngân hàng Đại Tín do nhóm cổ đông Phạm Công Danh nắm giữ, chính là nhóm Thiên Thanh.
Khi tiếp nhận tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì bị cáo có Danh có hơn 84 % cổ phần thì đây là ngân hàng của Phạm Công Danh. Ngoài ra, bị cáo Danh cũng là người quản lý Thiên Thanh.
Nếu ngân hàng có lợi thì tập đoàn Thiên Thanh cũng có lợi. Vì vậy, đó cũng là có lợi cho Phạm Công Danh chứ các bị cáo khác không hề có lợi. VKS vẫn bảo lưu quan điểm này trong phần luận tội.
Đối với 45 bị cáo còn lại, đại diện VKS hầu như giữ nguyên quan điểm trong phần luận tội. Tuy nhiên, đại diện VKS cũng mong HĐXX xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ về bối cảnh, động cơ, mục đích phạm tội để giảm nhẹ hình phạt đặc biệt đối với các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi, nhân thân tốt.
Về việc thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng, đại diện VKS cho biết, trong các phiên tòa trước, VKS đã đưa ra những lập luận, đã phân tích rất rõ và đối đáp tới cùng với các Luật sư. Tại phiên toà này, VKS vẫn bảo lưu quan điểm thu hồi số tiền này nên không đánh giá thêm.
Các Luật sư bảo vệ quyền lợi cho 3 ngân hàng cho rằng, VKS đề nghị thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng là không có căn cứ. Đây là vấn đề nhận thức nên VKS vẫn giữ nguyên quan điểm.
Còn đối với số tiền 4.500 tỷ đồng, đại diện VKS cũng giữ nguyên quan điểm và không tranh luận thêm.
Các bị cáo tại tòa
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX đưa ra phán quyết đúng đắn và chấp nhận đề nghị của VKS.
Nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh đề nghị HĐXX ghi nhận nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án. Bị cáo mong HĐXX quan tâm, tạo thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Vì tin bị cáo mới rơi vào trường hợp này. Họ tin vào đề án tái cơ cấu, tin ngân hàng vượt qua được nhưng bị cáo đã không làm được.
Phạm Công Danh trình bày: “Tôi không xin cho tôi mà xin cho tất cả những người có mặt tại đây. Vì tất cả đã tin tưởng tôi, những người ở đây rất giỏi về tài chính ngân hàng, họ tin vào đề án tái cơ cấu này và họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ có lợi cho ngân hàng. Nhưng tôi đã không làm được điều này”.
Bị cáo Danh không có ý kiến về việc thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng đồng thời tái khẳng định khoản tiền này không sử dụng cho mục đích cá nhân. Bị cáo bỏ rất nhiều tiền, hơn 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.
Bị cáo cho biết, bị cáo không sử dụng một đồng nào cho cá nhân mà chỉ cho ngân hàng. Tất cả các số tiền của 3 ngân hàng, hoàn toàn còn ở ngân hàng. Nếu sử dụng chỉ sử dụng cho ngân hàng và có chứng từ rõ ràng.
Đối với số tiền 6.100 tỷ đồng, Phạm Công Danh cho rằng, nếu đã thu thì phải thu bình đẳng. Nếu thu 6.100 tỷ đồng thì phải thu tất cả các khoản tiền còn lại để trả cho 3 ngân hàng.
Phạm Công Danh mong HĐXX tạo điều kiện thể khắc phục hậu quả: "Nếu như còn thiếu tôi xin được hợp tác vì có rất nhiều bạn bè, nhà đầu tư sẽ giúp đỡ tôi khắc phục hậu quả", bị cáo Danh nói.
Đối với 45 bị cáo còn lại, hầu hết khi nói lời sau cùng đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi kết thúc phần tranh tụng, phiên toà đi vào phần nghị án. Theo thông báo của HĐXX, 9h ngày 6/8, HĐXX sẽ tuyên án.