Ngày làm việc thứ năm, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Nga, cựu Trưởng ban kế toán, Kế toán trưởng kiêm GĐ Khối Tài chính kế hoạch và các cựu Giám đốc Chi nhánh của Oceabank.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nga khai không nắm được chủ trương thu phí tại Công ty BSC, Ban Kế toán cũng không có liên quan gì đến BSC.
Theo cáo trạng, Nga phải chịu trách nhiệm đối với 175 tỷ đồng là khoản chi “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất. Nga nói: "Về kết luận này, bị cáo không xác nhận và không công nhận".
Trong số 175 tỷ đồng này có 66 tỷ đồng chi không sai phạm, phần còn lại là hạch toán tạm ứng, sau đó đã được hoàn ứng bằng tiền cá nhân của Hà Văn Thắm nên không thể nói là gây thiệt hại.
Việc xét gây thiệt hại là không phục vì các bị cáo đều không có động cơ gây hại, ai cũng vì ngân hàng. Đây là nguyện vọng tha thiết của bị cáo cũng như các anh chị Giám đốc chi nhánh.
Về tư duy kinh tế, khi huy động là phải cho vay và có lãi suất và lợi nhuận. Nếu xét về thiệt hại, quả thật bản thân bị cáo cũng như nhiều bị cáo khác còn rất nhiều trăn trở muốn chia sẻ. Do vậy, bị cáo không hiểu cơ sở nào để có thể tính toán chi phí của DN mà không tính số thu. Bị cáo Nguyễn Thị Nga thừa nhận có vi phạm về Thông tư 02 đối với trần lãi suất, nhưng bản chất của một tổ chức tín dụng là huy động để cho vay nên cần có cái nhìn toàn cảnh hơn.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga - cựu Kế toán trưởng của Oceabank
Bị cáo Nga cho rằng: "Tình thế thị trường buộc chúng tôi phải làm như vậy, hơn 2 nghìn con người cũng vì miếng cơm manh áo và vì ngân hàng. Tại sao lại chỉ xem xét một phía mà không xem xét cho họ về công lao, những con người có chuyên môn đã cống hiến cho ngân hàng.
Tôi có nguyện vọng đề nghị xem xét tách bạch, không thể gộp 175 tỷ đồng trên vào con số 1.300 tỷ thiệt hại chung, bản thân bị cáo cũng như những người liên quan không hề có chút tư lợi nào".
Ngay sau đó HĐXX nói: "Tòa chưa kết luận ai tư lợi ở đây cả. Bị cáo nhận chỉ thị thu ngoài lãi suất từ chị Thủy, Phó Tổng giám đốc, mà chị Thủy cũng bị rơi vào thế không thể làm khác được nữa".
Còn riêng khoản chi cho khách hàng 66 tỷ đồng đã được Nga chuyển thẳng vào tài khoản của các khách hàng. Tất cả các giao dịch chuyển khoản đều có giấy báo nợ, giấy báo có thay cho phiếu nhận tiền bằng tiền mặt.
"Quan điểm của tôi cũng như chị Thủy là không làm trái về nguyên lý kế toán, nên tôi không hề có ý tư vấn làm khác với bản chất kế toán như các ngân hàng khác đang làm. Khi không thể chi được từ chi phí thì chúng tôi yêu cầu các lãnh đạo phải tự tìm nguồn tiền để chi. Sau đó chỉ là tạm ứng và số tiền tôi tạm ứng đã được hoàn ứng bằng tiền mặt. Ngoài số tiền 66 tỷ đồng, bị cáo chưa từng cầm một đồng tiền mặt nào của ngân hàng để chi cho ai".
HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng Đại Dương, bị cáo cho biết không biết chủ trương thu phí tín dụng nhưng cũng có nhận được thông báo chi lãi ngoài.
Ngày 7/9/2011, Hà Văn Thắm có chỉ đạo bằng văn bản không thực hiện chi ngoài trên toàn hệ thống, các chi nhánh đã phải chứng kiến việc vì không chi lãi ngoài nên đã rất đau lòng khi chứng kiến xe tiền của ngân hàng khác đỗ trước cửa ngân hàng mình để chở tiền của khách hàng rút từ Ngân hàng Đại Dương mang đi.
"Thời điểm đó chúng tôi rất căng thẳng vì các ngân hàng khác đều chi ngoài lãi suất. Số dư huy động ngày một giảm, lúc đó anh Thắm đã phải ra quyết định cứu ngân hàng nên đã phải theo chân các ngân hàng khác, Ngân hàng Đại Dương không phải là đơn vị khởi đầu trong việc chi lãi ngoài.
Hơn nữa, tại thời điểm đó tất cả đều có nhận thức chung là cứu ngân hàng chứ không ai nghĩ là gây thiệt hại. Thời điểm 2011, lạm phát lên đến 18% nhưng NHNN chỉ cho trần lãi suất 14%, như vậy là không có lãi suất thực dương cho người gửi tiền và là tư duy phản thị trường", bị cáo Nam nói.
Tín dụng từ 2008-2012 thường xuyên tăng phi mã, con số tổng huy động của toàn xã hội thấp hơn hoặc chỉ ngang bằng với tổng cho vay ra của toàn xã hội. Bị cáo thấy rằng cần phải nhìn logic về kinh tế vĩ mô, không ngân hàng nào không chi ngoài.
"Bị cáo biết anh Thắm chiếm đến hơn 60% cổ phần nên nếu anh ấy không nhận thức được về mức độ thiệt hại thì bị cáo chỉ là người làm công ăn lương cũng không thể nhận thức được. Tất cả đều xuất phát từ mục tiêu là giữ được thanh khoản cho ngân hàng, trước bối cảnh người dân xếp hàng rút tiền từ OceanBank để mang tiền sang gửi ở ngân hàng khác. Buộc phải chi lãi ngoài để kéo khách hàng trở lại", bị cáo Nam nói thêm.
Khi trả lời HĐXX, Hà Văn Thắm xác nhận đã ký một văn bản yêu cầu các Phòng giao dịch và Chi nhánh dừng việc chi lãi ngoài. Nhưng do người dân liên tục đi rút tiền để mang sang ngân hàng khác gửi nên bị cáo không còn cách lựa chọn nào khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba tại phiên tòa
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba – cựu giám đốc Khối bán lẻ của Ngân hàng Đại Dương được cơ quan tố tụng xác định là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Đại Dươnng tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng cá nhân, sau đó ký xác nhận hoặc trình Nguyễn Minh Thu phê duyệt, chuyển cho bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các Phòng giao dịch và Chi nhánh để chi lãi ngoài cho khách hàng với tổng số tiền thực chi là 84 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba nói: "Tôi rất băn khoăn vì để đồng tiền ra khỏi ngân hàng tôi không đủ chức năng nhiệm vụ. Tôi nghĩ, hành vi của mình là vi phạm hành chính chứ không phải trách nhiệm hình sự".
Bị cáo Nguyễn Minh Đạo - cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong thời gian đương chức, bị cáo đã chi cho việc chăm sóc khách hàng hơn 42 tỷ đồng. Chi nhánh Hà Nội chủ yếu chi cho khách hàng là cá nhân.
Theo Đạo, không trực tiếp tiếp nhận chủ trương mà chỉ nghe cán bộ nhân viên cấp dưới cung cấp thông tin. Chỉ đạo về chăm sóc khách hàng không bằng văn bản mà là bằng hành vi cụ thể và được truyền đạt bằng chủ trương, cấp dưới cứ thế mà thực hiện.
Đạo cũng không nhận, không chi bất kỳ đồng tiền nào.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên - cựu Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu cho biết, không nhận bất kỳ khoản tiền nào để chi lãi ngoài. Năm 2011 - 2014, chi nhánh nhận tiền từ hội sở để chi chăm sóc khách hàng theo chủ trương của cựu CT HĐQT Hà Văn Thắm vào thời điểm khoảng tháng 3-4/2011.
Trong khoảng thời gian này, chi nhánh đã chi 45 tỷ đồng tiền chăm sóc khách hàng. Việc chi tiền không chỉ mỗi bị cáo mà cả Ban giám đốc chi nhánh, các trưởng phòng, với tư cách giám đốc bị cáo đã chi hơn 12,4 tỷ đồng/45 tỷ đồng tiền lãi ngoài. Tất cả đều không ký nhận tiền chi lãi ngoài.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên tại phiên tòa
"Đến thời điểm này chỉ có Ban quản lý đóng mới giàn khoan trả 100 triệu đồng nhưng họ không ký xác nhận. Tôi mong HĐXX xem xét vì trong hoàn cảnh khó khăn của lĩnh vực tín dụng thời gian đó, áp lực của cán bộ ngân hàng rất lớn", bị cáo Liên trình bày.
Bị cáo Liên cho biết thêm, cựu CT HĐQT Hà Văn Thắm từng nói “nếu anh chị nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Và thực tế thì đã có nhiều anh chị đã phải “đứng sang một bên”.
HĐXX tiếp tục yêu cầu bị cáo Trần Thị Thu Hương - cựu Giám đốc Chi nhánh Hải Dương trả lời câu hỏi, bị cáo Hương cho biết, khách hàng lớn nhất của chi nhánh là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại với số tiền nhận lãi ngoài là hơn 6 tỷ. Tổng số bị cáo đã chi lãi ngoài là 8,4 tỷ.
Hiện công ty Âu Việt đã nộp lại số tiền hơn 404 triệu đồng. Bị cáo Hương cũng đã bán nhà để nộp gần 1,3 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả thiệt hại. Chi nhánh Hải Dương chi cho khách hàng hơn 29 tỷ đồng trong đó vượt trần lãi suất khoảng 28 tỷ đồng.
Khi được HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Quốc Chiến - cựu Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn trả lời câu hỏi, bị cáo Chiến cho biết, được tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài thông qua email, hay chát Sky. Chi nhánh đã chi 19 tỷ đồng trong đó 7 tỷ đã chi cho các doanh nghiệp. Trong số tiền này bị cáo đã trực tiếp chi khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện tổng số tiền trả lại khoảng hơn 216 triệu đồng. Ngày hôm qua, bị cáo cũng nhận được thông tin một doanh nghiệp đã trả cho chi nhánh gần 700 triệu đồng. Bị cáo mong không hình sự hóa sự việc.
Trong buổi làm việc sáng nay, các Giám đốc Chi nhánh đều cho rằng việc chi lãi ngoài đều thực hiện theo chủ chương chung của cựu CT HĐQT Hà Văn Thắm.