Xét xử cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

Hoàng Phúc| 16/08/2013 11:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (16/8) TAND tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Hai bị cáo trong phiên tòa là Nguyễn Mạnh Hà, 37 tuổi, nguyên cán bộ Cục Giải quyết khiếu nại - tố cáo và thanh tra khu vực II thuộc Thanh tra Chính phủ và Trần Anh Hùng, 55 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ hàng hải Tam Đảo ở TP Nha Trang.

Cáo trạng cho hay, ngày 18/6/2010, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định số 1730/QĐ-TTCP về việc thành lập Đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo, khiếu nại của công dân đối với dự án khu đô thị mới Phước Long, thuộc phường Phước Long, TP. Nha Trang, Khánh Hòa (DAPL), do ông Trần Quốc Thắng – Trưởng phòng 2, Cục II, Thanh tra Chính phủ (TTCP) làm Trưởng đoàn, Phạm Hùng, Đỗ Thành Luân là thành viên. Sau khi kết thúc thanh tra thực tế tại địa phương, Đoàn TTCP về Hà Nội chuẩn bị bản thảo báo cáo kết luận thanh tra (BCKLTT) để trình lãnh đạo TTCP theo quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra. Bản thảo BCKLTT (DAPL) do ông Thắng soạn thảo trên máy tính xách tay; đến ngày 6/10/2010 các thành viên trong đoàn thanh tra đã thống nhất nội dung dự thảo và in, sao, để 14h cùng ngày báo cáo lãnh đạo Cục II và ông Nguyễn Đức Hạnh – Phó Tổng TTCP.

Theo chỉ định của ông Thắng, Luân đã phô tô 7 bản thảo (tính cả bản gốc là 8 bản) để phát cho những người tham dự cuộc họp vào chiều 6/10/2010; Phạm Hùng thành viên đoàn thanh tra được nhận một bản thảo BCKLTT (DAPL); trong khi chờ họp, Hùng đã dùng bút sửa một số lỗi chính tả vào bản thảo. Do không đủ thành phần, nên cuộc họp bị hoãn, các thành viên tham gia cuộc họp tự bảo quản tài liệu được phát, theo quyết định 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 6-9-2005 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành thanh tra.

Trần Anh Hùng trú tại 23A Đống Đa, Tân Lập, Nha Trang, Khánh Hòa lợi dụng mối quan hệ quen biết với Nguyễn Mạnh Hà là thanh tra viên công tác tại phòng 2, cục II TTCP; Hùng nhiều lần điện thoại nhờ Hà tìm cách lấy bản thảo BCKLTT (DAPL); lần đầu khoảng cuối tháng 9/2010 sau khi Hà kết thúc thanh tra thực tế tại tỉnh Quảng Nam về Hà Nội, thì Hùng điện thoại hờ Hà tìm hiểu những người tham gia đoàn thanh tra, bản thảo BCKLTT (DAPL). Đến cuối tháng 10/2010, Nguyễn Mạnh Hà lấy được bản thảo BCKLTT (DAPL) trên bàn, tại phòng làm việc chung với Đỗ Thành Luân, rồi đem đến văn phòng TTCP phô tô một bản cất giữ và trả bản thảo về chỗ cũ. Những lần điện thoại sau, Hùng biết Hà đã có bản thảo nên thúc giục Hà gửi một bản; lúc đầu Hà chỉ đồng ý nói những nội dung mà Hùng quan tâm với lý do đây là tài liệu mật (theo quyết định tại số 588/2004/QQĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004 của Bộ Trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật trong ngành thanh tra); tuy nhiên, Hùng lấy nhiều lý do để yêu cầu Hà gửi bản sao, nên ngày 28/10/2010, Nguyễn Mạnh Hà đem bản phô tô bản thảo BCKLTT (DAPL) tiếp tục đi phô tô tại văn phòng TTCP, sau đó xé bỏ tờ đầu, cuối của bản thảo, rồi đến Bưu điện Cống Vị, phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội gửi qua đường chuyển phát nhanh cho Trần Anh Hùng theo địa chỉ 23A Đống Đa, Nha Trang.

Khi gửi Nguyễn Mạnh Hà dùng tên và địa chỉ người gửi giả, họ và tên lót người nhận giả, viết chữ với tự dạng khác thường lên phiếu gửi nhằm phòng tránh bị phát hiện; khi nhận (ngày 29/10/2010), Hùng thấy bản thảo BCKLTT (DAPL) không có tờ đầu, tờ cuối, nên Hùng tiếp tục yêu cầu Hà gửi tờ đầu và tờ cuối. Ngày 8/11/2010, Hà lấy tờ cuối của bản thảo, dùng bút xóa hết phần hình thức của văn bản bao gồm: nơi nhận và các địa chỉ nơi nhận công văn, phần tên, chức danh của lãnh đạo TTCP; trước khi fax Hà liên lạc với Hùng để xác nhận Hùng là người trực tiếp nhận tài liệu, sau đó mới dùng máy fax số 04.38325990 của Cục II, TTCP fax vào máy fax số 058.3515194 đặt tại nhà Hùng.

Sau khi nhận được tài liệu mật là bản thảo BCKLTT (DAPL), Trần Anh Hùng mang đến đưa Nguyễn Hữu Dinh, nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Long, là người bị kiến nghị xử lý xem và gợi ý “chạy tội”; đưa cho Hoàng Minh Trí mượn xem, ông Trí đưa cho Bùi Văn Chương xem; Chương đem phô tô rồi chuyển đến một số người có nhà, đất nằm trong DAPL và báo cho ông Trần Quốc Thắng biết bản thảo BCKLTT (DAPL) đã bị lộ. Trần Anh Hùng tiếp tục phát tán bản thảo đến Phạm Trung Kiên phòng Kinh tế - Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam, Phùng Thế Dũng, phóng viên báo Văn Nghệ trẻ khu vực Nam Trung Bộ để nhờ làm phóng sự về DAPL. Quá trình đưa bản thảo cho Nguyễn Hữu Dinh, Phạm Trung Kiên, Phùng Thế Dũng, Nguyễn Huy Giới xem, Trần Anh Hùng luôn nhắc đây là tài liệu mật, tài liệu đặc biệt của TTCP và yêu cầu không nói cho người khác biết. Nhiều đối tượng lấy nội dung của bản thảo làm đơn tố cáo, vu khống nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa.

Đến ngày 30/1/2011, Thanh tra Chính phủ mới ban hành kết luận thanh tra chính thức, trong đó có một số nội dung thay đổi so với bản dự thảo. Sau khi vào cuộc xác minh thu thập chứng cứ tài liệu có liên quan, cuối tháng 6/2012, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam hai ông Hà và Hùng cùng về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Khi sự việc bị phát hiện, bản sao bản thảo BCKLTP (DAPL) còn lại Nguyễn Mạnh Hà đã hủy sau khi biết Trần Anh Hùng tán phát cho nhiều người ở Khánh Hòa. Từ đó, hành vi của Trần Anh Hùng và Nguyễn Mạnh Hà đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo khoản 2, điều 263 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ 5-10 năm tù. Đối với Phạm Hùng – Thanh tra viên công tác tại Phòng 2, Cục II, TTCP làm mất tài liệu, có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 264 BLHS. Tuy nhiên, xét thấy Phạm Hùng có nhân thân tốt, trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với Cơ quan An ninh điều tra, đã bị TTCP xử lý kỷ luật Đảng viên, công chức với hình thức khiển trách; nên cơ quan An ninh điều tra thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với Phạm Hùng. Còn đối với một số người được Hùng đưa xem bản thảo, xét mức độ chỉ cần xử lý kỷ luật nên Cơ quan An ninh điều tra không tiến hành khởi tố xử lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc kết quả phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ cố ý làm lộ bí mật Nhà nước