Sai phạm đã rõ, tuy nhiên thay vì nhanh chóng xử lý dứt điểm sai phạm kéo dài, UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lại cố tình kéo dài để hợp thức hóa cho sai phạm.
Phát hiện thêm nhiều sai phạm
Trước đó, Báo Công lý đã có bài phản ánh về việc ông Hồ Bá Lam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Sông Lam (công ty Sông Lam) xây dựng xưởng may trái phép trên đất nông nghiệp, thuộc địa bàn thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi báo chí phản ánh, Đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia (thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia) đã có văn bản phản hồi đến báo chí.
Văn bản nêu rõ, Công ty Sông Lam xây dựng xưởng may trên đất ở, đất vườn và một phần diện tích trên đất nông nghiệp, đất do UBND xã quản lý khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm về sử dụng đất đai và trật tự xây dựng. Tổng diện tích sử dụng cho xưởng may này lên đến 1.720 m2.
Tổng diện tích sử dụng của xưởng may lên đến 1.720 m2
Cụ thể, đất ở và đất vườn là 590,9 m2, đất nông nghiệp 10% là 320,0 m2, đất BCS (đất bằng chưa sử dụng do xã Thanh Sơn quản lý) là 168,0 m2, đất sông suối không sử dụng (do UBND xã quản lý) là 642,0 m2.
Đối với các công trình xây dựng, Công ty Sông Lam đã tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất khung thép, mái tôn khoảng 800 m2 (2 tầng khoảng 1.600m2) trên diện tích đất ở và đất vườn là 590,9m2, đất nông nghiệp 10% là 235,8 m2. Xây dựng cột che bạt làm bãi đỗ xe, nơi ăn ca cho công nhân, tập kết hàng hóa là 894,2 m2, … .
Ngay khi phát hiện sự việc, từ ngay đầu tháng 3/2019 UBND xã Thanh Sơn đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm 2 lần với mức 5,5 triệu đồng và có văn bản báo cáo lên UBND huyện Tĩnh Gia xin ý kiến.
Cố tình kéo dài, bao che và hợp thức hóa cho sai phạm?
Cũng tại thời điểm tháng 3/2019, UBND huyện Tĩnh Gia đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Thanh Sơn xử lý vi phạm, có biện pháp ngăn chặn không để tiếp tục xảy ra vi phạm, yêu cầu ông Hồ Bá Lam chủ động tháo dỡ công trình vi phạm, nếu ông Lam không chấp hành thì UBND xã cưỡng chế theo quy định. Tuy nhiên sau đó, Công ty Sông Lam vẫn thản nhiên xây dựng, hoàn thiện công trình trái phép và đi vào hoạt động công khai mà không hề có sự can thiệp nào từ chính quyền huyện Tĩnh Gia.
Theo như như văn bản của Đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia, Công ty Sông Lam đã làm hồ sơ gửi BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng các Sở, ngành có liên quan để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho xưởng may.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV đến cuối tháng 5/2019, chính Công ty này đã chủ động xin rút hồ sơ để chỉnh sửa phương án đầu tư. Và cũng từ đó đến nay, Công ty Sông Lam không hề có động thái gì đến việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, và chính quyền huyện Tĩnh Gia cũng không hề có biện pháp xử lý dứt điểm các sai phạm kể trên.
Công ty Sông Lam chủ động xin rút hồ sơ và không hề nộp lại
Bất ngờ hơn trong văn bản thông tin đến báo chí, chính Đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia (được ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện) lại tiếp tục kéo dài để hợp thức hóa cho sai phạm. Cụ thể nếu sau ngày 30/06/2020 công ty Sông Lam chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý sẽ cưỡng chế tháo dỡ các công trình theo quy định của pháp luật.
Các sai phạm đã được chỉ rõ, chính quyền huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo từ ngay thời điểm ban đầu thế nhưng sự việc lại không được xử lý dứt điểm? Dư luận đang hoài nghi phải chăng từ lãnh đạo UBND huyện, xã đến các phòng ban chuyên môn có liên quan của huyện Tĩnh Gia đều lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý, yếu kém về năng lực hay đang cố tình bao che, hợp thức hóa cho sai phạm?
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng có chỉ đạo để xử lý dứt điểm vấn đề trên, tránh gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận.