Hà Nội hiện có khoảng 160.000ha sản xuất lúa. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng, an toàn VietGAP, hữu cơ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn, hướng tới xuất khẩu.
Nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã khuyến khích các địa phương phát triển cánh đồng mẫu lớn, lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô còn hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Thực hiện Quyết định số 5242/QĐ-UBND ngày 30-11-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích khoảng 40.000ha; mỗi vùng có diện tích từ 50ha trở lên và có những vùng lên tới hơn 300ha.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Thị Hòa thông tin, để mở rộng vùng lúa chất lượng cao, trong năm 2023, trung tâm xây dựng thêm được 21 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 20 xã, thuộc 7 huyện (Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn), với tổng diện tích 1.375ha, bao gồm: 60ha lúa theo hướng hữu cơ, 5ha lúa thảo dược, 730ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 580ha lúa an toàn. Đồng thời, trung tâm xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể: “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh, huyện Thanh Oai”, đưa tổng số nhãn hiệu tập thể gạo Hà Nội lên 9 nhãn hiệu tập thể.
“Việc xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội không những cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Hà Nội sang các thị trường nước ngoài”, bà Hoàng Thị Hòa cho hay.
Diện tích đất trồng lúa của Hà Nội hiện còn khá lớn, nhưng quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, trình độ canh tác, nhất là trong thực hiện các biện pháp thâm canh lúa cải tiến của người dân còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao...
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế từ trồng lúa, kéo nông dân quay trở lại với đồng ruộng, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội, hướng tới xuất khẩu, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu cơ cấu giống lúa chất lượng cao được gieo trồng đạt hơn 80% diện tích; hình thành từ 3 đến 5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu gạo.
“Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để đưa doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo cho nông dân”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.