Kinh tế

Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ

Trang Nhi 03/04/2025 - 10:53

Ngày 2/4 Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao.

Theo kế hoạch được công bố, Trung Quốc sẽ bị áp thuế quan đối ứng 34% ngoài thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không tránh được thuế đối ứng, như Liên minh châu Âu (EU) bị áp mức thuế 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%... Việt Nam bị áp mức thuế 46%.

trump-trung-quoc-thue-52077.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế đối ứng tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chính sách này phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại, vốn đạt 1,2 nghìn tỉ USD năm 2024, nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu.

Mức thuế nêu trên sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do.

Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền của ông Trump dùng Đạo luật IEEPA 1977, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia, loại bỏ cơ chế đa phương, hành động đơn phương quyết liệt.

Đối với Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, do xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh. Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024.

Năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam đạt hơn 16,2 tỉ USD. Mỹ vẫn chiếm vị trí số 1 cho xuất khẩu ngành gỗ cả nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này năm ngoái đạt hơn 9,1 tỉ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Thị trường nội địa chỉ nhập khẩu khoảng 380 triệu USD nguyên liệu từ nước này, tức xuất siêu 9 tỉ USD.

Đối với da giày, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: xuất khẩu của ngành da giày - túi xách năm 2024 vẫn ước đạt 27,04 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu giầy dép đạt 23,24 tỷ USD, tăng 13,16 % và valy-túi-cặp đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,7%. Ngành da giày Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang Mỹ. Các thương hiệu lớn và các chuỗi bán lẻ tại Mỹ sử dụng giày dép Việt Nam do giá thành hợp lý và chất lượng tốt. Áp thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến giá giày dép Việt Nam tăng, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, khi Mỹ áp thuế 46% lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh. Trước các biến động của thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp cần chủ động để thích ứng, đặc biệt việc khai thác các thị trường mới cũng là giải pháp tối ưu để có thể giảm thiểu thiệt hại khi căng thẳng thương mại đang ngày càng diễn biến khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ