Với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã khai mạc sáng nay (19/12) tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị là dịp quan trọng để toàn ngành ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá kết quả thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo đất nước tại Hội nghị Đối Ngoại toàn quốc, trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra phương hướng trọng tâm và giải pháp triển khai công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển ngành ngoại giao từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nhìn lại từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn trước.
Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung hướng tới của đại đa số các quốc gia, dân tộc. Bình đẳng, dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật quốc tế và phát triển bền vững vẫn là giá trị chung của nhân loại. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức mới, song cũng mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden... đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.
Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, đồng thời, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, gìn giữ hòa bình ở Châu Phi, hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột.
Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế được mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 60 di sản, địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, trong đó riêng 3 năm qua có thêm 13 di sản, địa danh được UNESCO công nhận.
Những thành tựu nói trên của đối ngoại và ngoại giao đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"; là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đại hội XIII, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trước những biến động lớn, phức tạp trên thế giới và khu vực, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bước đi chủ động, sáng tạo, đột phá mang tính lịch sử trong triển khai công tác đối ngoại.
Những kết quả to lớn đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trên tinh thần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII và quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tập trung thảo luận những vấn đề lớn là: Đánh giá và dự báo tình hình quốc tế; thảo luận, làm rõ các chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng và đặc điểm của cục diện thế giới mới; nhìn nhận thấu đáo các vấn đề cơ bản của quan hệ quốc tế hiện đại; từ đó, nhận diện đúng tác động, thời cơ, thách thức đối với đất nước trong tình hình mới.
Đồng thời nhìn lại, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu về đối ngoại và ngoại giao đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Hội nghị sẽ thảo luận, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Đặc biệt, Hội nghị sẽ thảo luận kỹ lưỡng việc tổ chức triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về đối ngoại mà Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là các chủ trương, định hướng về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, cụ thể hóa các khuôn khổ hệ mới thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại. Trong đó, trọng tâm là các biện pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; gìn giữ và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, lề lối làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất; cơ chế, chính sách cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam trung thành, tận tụy, tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, sáng tạo về sách lược, tinh thông về nghiệp vụ, chuyên nghiệp về phong cách.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, kết quả của Hội nghị không chỉ định hướng cho công tác của ngành ngoại giao trong 2-3 năm tới mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới và xây dựng nội dung đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Đặc biệt, Hội nghị sẽ lĩnh hội các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thảo luận, đề ra các chương trình, đề án, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".