Xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên vì quyền trẻ em và mục tiêu thiên niên kỷ

Hương Lan| 03/06/2015 06:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật đủ để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo hành, bóc lột…

Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ nước ta trong việc thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Kết quả thống kê, nghiên cứu về người chưa thành niên phạm tội cho thấy, trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện. Bình quân mỗi ngày xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng.

Từ năm 2007 đến tháng 6/2014, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72% so với 6 năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), từ năm 2002 đến tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng gồm Trường giáo dưỡng số 2 - Ninh Bình; số 3 - Đà Nẵng; số 4 - Đồng Nai và số 5 - Long An đã tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật;

Xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên vì quyền trẻ em và mục tiêu thiên niên kỷ

Một phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hệ thống tư pháp hiện hành vẫn còn một số khiếm khuyết, cả về pháp luật lẫn thực tiễn trong việc bảo đảm sự bảo vệ và hỗ trợ cho người chưa thành niên. Chẳng hạn, chế tài đưa vào trường giáo dưỡng với thời hạn cao nhất là 2 năm hiện đang được sử dụng khá phổ biến; hay chế tài thay thế cho giam giữ, đặc biệt là đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật từ 14 - 16 tuổi còn hạn chế, đặc biệt là các chương trình xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và người chưa thành niên có nguy cơ tại cộng đồng hoặc trong các cơ sở giáo dục tập trung (Trường giáo dưỡng, trại giam...) thường chỉ được thực hiện 1 lần và chất lượng chưa cao.

Bên cạnh đó, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử chưa thực sự phù hợp với nhu cầu bảo vệ đặc biệt của người chưa thành niên. Mặc dù, các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng và ngay cả người tiến hành tố tụng đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự riêng tư của người chưa thành niên trong quá trình tố tụng, song họ đang rơi vào tình trạng lúng túng, bởi không có điều kiện thực tiễn để triển khai.

Đối chiếu với một số quy định hiện hành trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, các chuyên gia đề xuất một số kiến nghị như: Khắc phục các hạn chế về mặt kỹ thuật lập pháp liên quan đến Điều 69 (nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội) theo hướng quy định việc miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên là bắt buộc nếu thỏa mãn yêu cầu của pháp luật.

Cần quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện để được áp dụng các biện pháp tư pháp theo Điều 70 Bộ luật Hình sự để khắc phục hạn chế về sự tùy nghi, thiếu rõ ràng trong quy định hiện hành (tại khoản 4 Điều 69 BLHS); Trong đó cũng cần chú ý đến tình huống biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tuy không phải là hình phạt nhưng lại hạn chế tự do của người chưa thành niên trong khi các hình phạt cảnh cáo; cải tạo không giam giữ, án treo thì không ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em. Để khắc phục mâu thuẫn này, cũng cần cải cách biện pháp tập trung trong trường giáo dưỡng theo hướng vẫn duy trì quyền được tiếp tục học tập (phổ thông) của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc về hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội theo đó hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với người thành niên trong những trường hợp thực sự cần thiết (nhưng phải hướng dẫn qui định cụ thể) và là biện pháp cuối cùng, thời hạn tù nên rút ngắn. Bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng phạm vi được hưởng án treo hoặc các hình phạt không phải là hình phạt tù đối với trẻ em nếu đáp ứng một số yêu cầu khác.

Việc xét xử người chưa thành niên cũng phải được đặc biệt quan tâm. Trong đó việc xây dựng Tòa án chuyên biệt đối với người chưa thành niên theo hướng có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến người chưa thành niên là đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan tư pháp.  Mặt khác, cần đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách tiến hành tố tụng đối với các vụ án người chưa thành niên phạm tội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên vì quyền trẻ em và mục tiêu thiên niên kỷ