Trong các chức danh tư pháp, Thẩm phán có vị trí, vai trò đặc biệt đối với hoạt động xét xử và bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thẩm phán được tuyển chọn và bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, được Nhà nước trao cho các quyền, nghĩa vụ để làm nhiệm vụ xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc phạm vi, thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, việc xây dựng một chế định Thẩm phán hoàn thiện sẽ góp phần quan trọng để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp.
Mở rộng thêm nguồn để bổ nhiệm làm Thẩm phán
Theo quy định tại Điều 63 Dự thảo 9 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về các ngạch Thẩm phán thì Thẩm phán TAND gồm có: Thẩm phán TANDTC; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp. Như vậy, ngạch Thẩm phán có thêm Thẩm phán cao cấp so với ngạch Thẩm phán theo quy định hiện hành. Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Dự thảo 9 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng mở rộng thêm nguồn để bổ nhiệm làm Thẩm phán. Theo đó, tại Điều 65 của Dự thảo Luật thì người có đủ tiêu chuẩn quy định, có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, có khả năng xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp thuộc TAQS. Những người đã là Thẩm phán sơ cấp từ đủ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc TAQS.
Trường hợp đặc biệt do nhu cầu cán bộ của TAND, người chưa là Thẩm phán sơ cấp nhưng có đủ tiêu chuẩn quy định như: Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực, có hiểu biết xã hội phong phú; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử; có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật; đã trúng tuyển kỳ thi tuyển nguồn Thẩm phán; đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp. Người đã là Thẩm phán trung cấp từ đủ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp thuộc TAQS.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các Thẩm phán
Mặt khác, trong trường hợp đặc biệt do nhu cầu cán bộ của TAND, người chưa là Thẩm phán trung cấp nhưng có đủ tiêu chuẩn quy định, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp. Người đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc người có đủ tiêu chuẩn theo quy định và giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức Trung ương, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực; các nhà ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của TANDTC được Chánh án TANDTC đề nghị thì có thể được Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC.
Thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia
Chất lượng của đội ngũ Thẩm phán phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của Hội đồng tuyển chọn và từng thành viên của Hội đồng tuyển chọn. Theo quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 thì hiện nay có Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAQS Trung ương, 63 Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, sơ cấp và các hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TAQS. Chất lượng hoạt động, quy trình làm việc, trình độ, năng lực của thành viên các hội đồng cũng khác nhau; do đó, công tác tuyển chọn nhân sự để bổ nhiệm Thẩm phán, nhất là các Thẩm phán TAND địa phương chưa bảo đảm chất lượng đồng đều, ảnh hưởng đến yêu cầu luân chuyển, điều động Thẩm phán. Bên cạnh đó, sự vô tư, khách quan, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán là có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác xét xử, là điều kiện để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý. Bởi vậy, bên cạnh hoạt động giám sát chung của các cơ quan dân cử đối với công tác Tòa án, cần có cơ chế giám sát đặc biệt để kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán, kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán…
Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán; giám sát hoạt động của Thẩm phán là vấn đề được lãnh đạo TANDTC rất chú trọng. Do đó, tại Điều 66, Dự thảo 9 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được thiết kế theo hướng chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng. Quy định theo hướng này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp mới. Thẩm phán có địa vị pháp lý đặc biệt được giao quyền phán quyết các vụ án hình sự, các tranh chấp dân sự, vụ án kinh tế, lao động, hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức có liên quan đòi hỏi phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Vì vậy, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán còn có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của Thẩm phán để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý; kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.
Theo đó, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia gồm có Chánh án TANDTC, một Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương, các Chánh án TAND cấp cao, một đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; trong đó, Chánh án TANDTC là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC. Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tổ chức kỳ thi tuyển chọn nguồn Thẩm phán; xem xét tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm Thẩm phán theo quy định để đề nghị Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án khác. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng xem xét những trường hợp bị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán để đề nghị Chánh án TANDTC trình Quốc hội xem xét phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán.
Nhiệm kỳ tiếp theo của Thẩm phán là 10 năm
Theo quy định hiện hành thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm, quy định này được cho là chưa phù hợp, tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán; thậm chí nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm (nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại). Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm. Vì vậy, qua rất nhiều phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí phải kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý để Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập về nhiệm kỳ của Thẩm phán theo quy định hiện hành, tại Điều 69 Dự thảo Luật Tổ chức TANDTC (sửa đổi) quy định: Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Quy định theo hướng kéo dài hơn nhiệm kỳ của Thẩm phán sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán yên tâm làm nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử, bảo đảm cho các phán quyết mà Thẩm phán đưa ra khách quan, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, quy định kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng sẽ tiết kiệm được những chi phí về thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.