Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có "3 lực"

07/04/2024 12:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo PGS.TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, có 7 vấn đề mà TPHCM cần hoàn thiện để xây dựng được một bộ máy công quyền ưu tú, có hiệu năng cao.

Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có

PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng, có 7 yếu tố mà TPHCM cần hoàn thiện để xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao - Ảnh: VGP

Năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM giao Ban Cán sự đảng UBND TPHCM lãnh đạo UBND Thành phố chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện dự thảo đề án "Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030".

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, thời gian qua, UBND Thành phố đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tham mưu tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án.

Các đơn vị này cũng tổ chức các hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng đề án.

Trong số những chuyên gia nhận được "đặt hàng" từ lãnh đạo TPHCM, PGS.TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore đang cùng một nhóm chuyên gia của Singapore tiến hành nghiên cứu để góp ý vào đề án này, giúp TPHCM nâng cao bộ máy công quyền.

Xung quanh câu chuyện nói trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Minh Khương.

Năng lực, động lực và tổng lực

Theo vị chuyên gia này, có 7 vấn đề mà TPHCM cần hoàn thiện để xây dựng được một bộ máy công quyền ưu tú, có hiệu năng cao.

Đầu tiên, cần phải quán triệt tư tưởng rằng, thiết kế xây dựng bộ máy chính quyền ở TPHCM hiệu lực, hiệu quả phải là thí điểm mang tính quốc gia, không phải cho hiện tại mà cho cả tương lai. Đây là vấn đề lâu dài, có tính chiến lược và tổng thể, chứ không phải một cố gắng nhất thời để tháo gỡ khó khăn.

Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có

Trung tâm Hành chính công TP. Thủ Đức đi vào hoạt động từ tháng 11/2023 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Nếu mô hình đó thành công ở TPHCM thì sẽ đặt nền tảng cho quản trị hiện đại của cả quốc gia, là bước tiên phong cho cả nước. Nó có tính thông điệp đặc biệt, không chỉ với nhân dân cả nước, mà cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Vị thế đầu tàu của TPHCM không chỉ là mức đóng góp cao vào nền kinh tế, mà có thể còn quan trọng hơn, là ý chí mở đường và động lực cải cách để Việt Nam tiến nhanh tới tầm nhìn 2045.

Thứ 2, theo ông Vũ Minh Khương, để tạo ra bộ máy công quyền có hiệu năng cao thì TPHCM phải có 3 yếu tố là năng lực, động lực và tổng lực, trong đó, yếu tố tổng lực đặc biệt quan trọng.

"Nếu chỉ nói về động lực, như chế độ lương, chính quyền đô thị... thì vẫn chưa đủ, mà phải cần đến tính tổng lực. Trong chuyện trò riêng với tôi, ông Park Hang-seo, cựu HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam có chia sẻ rằng, cầu thủ Việt Nam có sức mạnh tiềm ẩn rất lớn, đó là sức mạnh cộng hưởng bùng lên từ ý chí và lòng tự hào dân tộc. Vì vậy, kinh nghiệm của ông Park là chọn cầu thủ mới về thì phải làm sao người mới cộng hưởng với đồng đội, giúp những cầu thủ còn lại đá hay hơn, chứ không nhất thiết là chọn cầu thủ giỏi nhất về trình độ cá nhân", ông Vũ Minh Khương nói.

Trong thiết kế bộ máy công quyền, Singapore đặc biệt coi trọng yếu tố "tổng lực" thay vì chỉ chuyên tâm vào năng lực và động lực, mặc dù hai yếu tố này cũng rất quan trọng. Nhờ đó, khi doanh nghiệp, người dân, hoặc cả nền kinh tế có yêu cầu hỗ trợ, cả hệ thống chính quyền sẽ vào cuộc. Chính phủ tổng lực là một nguyên lý chỉ đạo xuyên suốt trong mọi nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ở Singapore, đặc biệt trong thiết kế cấu trúc, phân định trách nhiệm, chia sẻ thông tin và quy trình ra quyết định. Từ đó, TS. Vũ Minh Khương tin là TPHCM có thể thực hiện mô hình này thành công.

Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có

Đãi ngộ và điều kiện làm việc là một trong những yếu tố giúp TPHCM có một bộ máy công quyền hiệu lực cao - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cần một cơ quan đề xuất chính sách

Yếu tố thứ 3, theo TS. Vũ Minh Khương, đó là thiết kế bộ máy. Hiện nay ở nước ta, cấu trúc bộ máy được thiết kế dựa trên nguyên lý là các sở, ngành tham mưu cho UBND, còn các bộ thì tham mưu cho Chính phủ.

Để tạo nên một bộ máy công quyền có hiệu năng cao, Singapore có cách làm khác, đó là lập ra gần 70 cục tác nghiệp (CTN). Mỗi CTN được giám sát và có quan hệ tương tác chặt chẽ với bộ chủ quản, trong khi chịu hoàn toàn trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách. CTN này có vai trò đề xuất chính sách, còn bộ chủ quản thì có trách nhiệm giám sát về chiến lược, cũng như quy trình.

Mỗi CTN hoạt động như doanh nghiệp, có hội đồng quản trị riêng và chiến lược thực thi rõ ràng. Nhờ cơ chế này, CTN có thể chủ động huy động vốn, thuê nhân sự giỏi (kể cả nước ngoài) để thực hiện trọng trách được giao.

Điều đặc biệt là mỗi CTN đều có báo cáo hằng năm cho công chúng với chất lượng rất cao về những gì họ đã làm được, chiến lược triển khai tiếp theo và thực trạng chi tiêu tài chính. Tính minh bạch này giúp giảm thiểu nguy cơ tham nhũng và loại bỏ bổ nhiệm người thiếu phẩm chất và năng lực vào cương vị đứng đầu.

Ngoài ra, hội đồng quản trị của mỗi CTN, gồm những người ưu tú, không chỉ từ Chính phủ, mà cả từ doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học. Nhờ đó, CTN có thể gắn kết sâu với bộ chủ quản trong xây dựng và thực thi chiến lược ở lĩnh vực mình phụ trách rất hiệu quả.

"Mô hình CTN này đã được Trung Quốc làm theo. Việc này rất đơn giản và TPHCM hoàn toàn có thể làm được. Chỉ là bố trí lại cho hợp lý, phân rõ trách nhiệm thì hiệu lực, hiệu năng sẽ lên rất cao", theo ông Khương.

Vấn đề thứ 4 là đãi ngộ và điều kiện làm việc. Ở đây, ông Vũ Minh Khương nhấn mạnh phải xác định đó là vấn đề năng suất và vấn đề phẩm giá, chứ không phải là vấn đề đủ ăn, đủ sống.

Công thức của đãi ngộ của Singapore rất đơn giản: Dùng mặt bằng của thị trường để xác định tiền lương của công chức, có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Yếu tố phẩm giá cũng rất quan trọng. Phải làm sao người công chức thấy tự hào vì họ đang góp phần đưa đất nước đến phồn vinh, đồng thời có cơ chế để họ cảm thấy đặc biệt an toàn trong thực thi nhiệm vụ. Yếu tố phẩm giá sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu họ thấy xã hội không trân trọng, trong khi nguy cơ thành tội phạm còn cao hơn người thường. Về vấn đề này, kinh nghiệm Singapore trong đánh giá và khen thưởng cán bộ hàng năm rất đáng tham khảo.

Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có

Phải làm sao người công chức thấy tự hào vì họ đang góp phần đưa đất nước đến phồn vinh

Thay đổi chính mình

Yếu tố thứ 5, ông Vũ Minh Khương cho rằng đó là TPHCM phải làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành; đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ cần cử những đội ngũ tinh nhuệ sát cánh, hỗ trợ Thành phố. Bởi như yếu tố đầu tiên đã đề cập, đây là vấn đề mang tính nền tảng quốc gia và tương lai lâu dài, chứ không phải chỉ cho riêng TPHCM trong một vài năm tới.

Vấn đề thứ 6, xây dựng bộ máy không phải cho một ngày, mà phải giải quyết bằng những bài toán cụ thể, gọi là kiến tạo. Bộ máy công quyền ưu tú được xây dựng nên từ những dự án ưu tiên chiến lược, như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thúc đẩy chuyển đổi số-chuyển đổi xanh, quản lý đô thị, Thông qua thực hiện những nhiệm vụ cụ thể này, Thành phố sẽ tìm ra cơ chế có hiệu quả và hiệu lực cao nhất, đồng thời phát hiện được cán bộ ưu tú để làm nền tảng xây dựng bộ máy ưu tú.

Điểm thứ 7, theo TS. Vũ Minh Khương, cũng là điểm quan trọng nhất, đó là TPHCM phải xác định tâm thế của người chiến sĩ tiên phong mở đường. Nghĩa là, tự mình vươn lên trước, trong khi kêu gọi cả nước đồng hành và giúp sức.

Để ví dụ, ông Vũ Minh Khương đưa ra một ví dụ đơn giản mà TPHCM cần và có thể làm ngay mà không cần trợ giúp của Trung ương, đó là xây dựng sự hiện diện của Thành phố trên không gian mạng để có thể so sánh với Thẩm Quyến, Thượng Hải, Singapore.

"Hiện giờ, thông tin về TPHCM qua các trang mạng của các cơ quan công quyền còn rất nghèo nàn và thiếu cập nhật, trong khi việc này đâu phải xin cơ chế gì đặc biệt. Cái khó nhất mà cũng dễ nhất đó là đổi thay chính mình, đây là điều TPHCM cần lưu tâm", TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Ngày 4/4 vừa qua, TPHCM tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành về đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Chủ trì hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và quốc tế, từ đó xác định mô hình nền công vụ, nền hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế; tiếp thu những điểm tiên tiến, tích cực của quốc tế, phù hợp với vị trí, vai trò của TPHCM với tư cách là một đầu tàu kinh tế, một đô thị đặc biệt.

Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị, đối với đề án này, song song với việc vẽ ra một bức tranh đẹp thì phải đảm bảo điều kiện để vận hành trên thực tế. Mục tiêu của TPHCM là xây dựng nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển cho Thành phố và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, hiệu năng cao, TPHCM cần có "3 lực"