Chuyện chưa kể về những người gác barie

Hoài Đan| 20/11/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ chịu những vất vả, áp lực của công việc mà những nhân viên gác chắn đường tàu còn thường xuyên bị ăn “bún mắng, cháo chửi”, thậm chí còn bị người đi đường hành hung khi đang làm nhiệm vụ.

 

Chuyện chưa kể về những người gác barie

Người tham gia giao thông cố lách qua barie để đi

Đối mặt với hiểm nguy

Tôi có mặt ở Trạm chắn đường ngang Hà Đông km 9+103 (Hà Nội) vào một buổi trưa giữa tháng 11. Khi ấy, những nhân viên gác chắn đường sắt vừa nhận được thông báo, sau vài phút nữa sẽ có hai chuyến tàu chở hàng từ Bắc vào Nam đi ngang qua.

Anh Trần Quốc Tuấn, Trạm trưởng Trạm chắn đường ngang Hà Đông cùng hai nhân viên lấy còi, cờ khẩn trương ra kéo barie chắn đường. Dù đang là giữa trưa nhưng lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông ở nút giao thông ngã ba Văn Điển rất đông. Khoảng 3 phút sau khi bị chặn lại, tuyến đường Phan Trọng Tuệ và Giải Phóng đã bị tắc đến vài trăm mét.

Khi anh Tạ Viết Ba, nhân viên gác chắn đường tàu đang đứng ở đầu đường Phan Trọng Tuệ thì có một nam thanh niên hất hàm hỏi: “Có cho đi được không?” Để đảm bảo an toàn, Ba không đồng ý anh này đi qua đường ray. Cho rằng anh Ba đang làm khó mình, anh ta liền buông lời xúc phạm, hùng hổ đe dọa sẽ “xử” anh Ba. Một điều nhịn là chín điều lành, anh Ba quay mặt đi không nói lời nào.

Trước đó vài tháng, anh cũng từng bị hai thanh niên đuổi đánh vì không cho họ đi qua đường ray. Khi sự việc xảy ra, người dân sinh sống ở hai bên đường đã đứng ra ngăn cản nếu không thì hôm đó anh Ba đã bị ăn đòn oan.

Anh Ba bảo nhiều khi bức xúc lắm, nhưng phải cố nhịn, nếu không sẽ xảy ra xô xát. Anh Ba cho biết: “Chính tại trạm gác này, đã có không biết bao nhiêu lần người ta tới đập phá đồ đạc rồi đánh nhân viên trạm gác cũng chỉ vì không cho họ đi qua đường ray khi tàu đang tới gần”.

Mới đây nhất vào hồi tháng 3, khi anh Tuấn đang kéo barie chắn đường thì một chiếc ô tô 4 chỗ lao đến húc đổ đòi đi qua. Bị chiếc xe tông mạnh khi đang kéo barie, anh Tuấn ngã văng ra đường. Sau khi trấn tĩnh lại, anh yêu cầu chủ xe xuống làm việc và bồi thường thiệt hại vì barie đã bị đâm hỏng. Không những không nhận lỗi, mà chủ xe còn rồ ga bỏ chạy khi anh Tuấn đang ngồi trên xe. “Khi đó, tôi rất lo, chỉ sợ anh ta gây tai nạn. Đi được khoảng 3km, tôi phải thuyết phục thì anh mới chịu dừng xe. Ngày hôm sau, anh ta có tới xin lỗi tôi, đền bù thiệt hại và thú nhận rằng lúc đó mình đang say rượu nên không kiểm soát được hành vi”, anh Tuấn nhớ lại. 

Chuyện chưa kể về những người gác barie

Du chở theo hàng hóa cồng kềnh nhưng vẫn cố vượt đường ray

Thiếu thốn đủ bề

Một ngày những nhân viên đường sắt này phải làm việc 12 giờ và phải đảm bảo an toàn cho khoảng 50 chuyến tàu đi qua trạm cả ngày lẫn đêm. Chính vì thế mà những nhân viên đường sắt nói rằng nếu không cố gắng thích nghi thì sẽ không thể làm việc được. Cũng bởi, họ không chỉ đối mặt với nguy hiểm, áp lực công việc mà còn có cả những lời chửi bới, đe dọa trong khi đó đồng lương ba cọc ba đồng. Trong căn phòng của trạm gác rộng khoảng chục mét vuông, chỉ có một chiếc bàn uống nước, vài chiếc ghế nhựa, không đài, không ti vi. Thứ giải trí duy nhất của họ ở đây là bàn cờ tường.

Sau khi đã hết ca trực, anh Ba phải đi 30km về nhà nghỉ ngơi vì ở trạm gác không có nơi lưu trú. Anh Ba tâm sự rằng, cũng muốn thuê nhà ở gần trạm để đỡ vất vả, ngặt nỗi đồng lương eo hẹp nên phải về nhà để tiết kiệm chi phí.

Khi đang ngồi trò chuyện với tôi, anh thì anh Tuấn nhận một cuộc điện thoại từ một người đồng nghiệp thông báo, vừa xảy ra một vụ tai nạn đường sắt làm một người chết, 2 người nguy kịch tại một điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thuộc địa phận tỉnh Hưng yên. Anh Tuấn nhận định: “Đa số những vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở những đoạn đường ngang dân sinh không có trạm và nhân viên gác chắn. Khi nghe đồng nghiệp hoặc báo đài thông tin về những vụ tai nạn đường sắt chúng tôi rất buồn. Cũng may là Trạm chúng tôi chưa để xảy ra một sự việc đang tiếc nào”.

Những con số thống kê về số vụ tai nạn đường sắt năm sau lại cao hơn năm trước không khỏi khiến người ta rùng mình. Nhưng, đâu đó, hàng ngày vẫn có những người bất chấp tính mạng của mình để vượt qua đường ray, khi tàu đang tới rất gần.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về những người gác barie