Xử phạt hành chính trong giáo dục: Biện pháp khả thi?

Ngô Chuyên| 02/10/2018 16:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến dư luận. Theo ý kiến của nhiều người, xử phạt hành chính sẽ khiến giáo viên giữ khoảng cách “an toàn” và hạn chế tiếp xúc với học sinh.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến dư luận, chia sẻ với Báo Công lý – thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường – Đông Nai cho biết: “Ưu điểm của Nghị định này là có thêm một biện pháp nữa để nhắc nhở những người làm công việc liên quan đến công tác giáo dục, nhưng tôi nghĩ, nếu làm như vậy, chỉ xử lý được phần ngọn còn phần gốc sẽ như thế nào?”.

Xử phạt hành chính trong giáo dục: Biện pháp khả thi?

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Thầy Dũng nhấn mạnh thêm, càng ra nhiều luật, càng chi tiết thì các thầy cô giáo càng thu mình lại, các giáo viên sẽ tìm cách nào đó để giữ bản thân mình an toàn và đó cũng là mặt hạn chế khi đưa Nghị định này ra.

Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng nhấn mạnh, trước đây, Bộ GD-ĐT đã có bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên và được áp dụng lâu nay. Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã đề cập nhiều tới kỹ năng sư phạm, cách ứng xử không những với cha mẹ học sinh mà còn với cộng đồng xã hội. Chúng ta nên tổng kết và đánh giá các gương điển hình, đồng thời rút ra những bài học.

Theo thầy Dũng, Nghị định này mang nặng tính hành chính, tạo ra những áp lực không cần thiết. Như vậy, không khác nào thầy cô chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sau khi truyền đạt xong, thầy cô hết trách nhiệm, đồng thời thầy cô sẽ không có chia sẻ, giao lưu với học sinh.

“Trước đây, cũng đã có Luật để xử phạt nhưng thầy cô có tâm huyết thì họ không quan tâm đến vấn đề xử phạt đó. Họ cũng gắn bó hết trách nhiệm với học sinh. Quan trọng, chúng ta phải làm sao khơi lại được ý thức, tình yêu nghề, trách nhiệm của giáo viên. Tôi cũng ghi nhận vừa qua có nhiều sự việc khiến dư luận xã hội phải bức xúc, nhưng đại bộ phận người làm nghề "gõ đầu trẻ" đều là những người tốt, tâm huyết với nghề. Chúng ta phải làm sao để nhân rộng những điều hay lẽ phải trong xã hội”, thầy Dũng nói.

Xử phạt hành chính trong giáo dục: Biện pháp khả thi?

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép. Ảnh Hải Nam.

Theo Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11/2018 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, sẽ phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.

Thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm, bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài giờ nhà trường.

Hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa, bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.

Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng.

Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Dự thảo nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, ngoài phạt tiền sẽ bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ quản lý giáo dục, công chức, nhà giáo, người học. So với Nghị định 138/2013/NĐ-CP đang áp dụng, mức phạt tiền của dự thảo nói trên cụ thể hơn và bổ sung thêm các hành vi bị phạt, trong đó điều chỉnh nâng mức phạt một số vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt hành chính trong giáo dục: Biện pháp khả thi?