Vĩnh Phúc: Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

PV| 13/10/2019 18:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và giảng dạy, đem lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã đầu tư 60 phòng tin học - ngoại ngữ cho 41 trường tiểu học và 19 trường THCS; 66 phòng ngoại ngữ chuyên dụng cho 66 trường tiểu học; 50 phòng bộ môn tin học cho 43 trường THCS và 7 trường THPT với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng trước khi bước vào năm học 2019-2020. Cùng với đó, hàng năm, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn về ứng dụng CNTT cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học. Qua đó, nhiều giáo viên thành thạo CNTT đã xây dựng được những bài giảng sinh động, lôi cuốn học sinh.

Vĩnh Phúc: Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và giảng dạy

Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; từng bước xây dựng kho học liệu số, bài giảng E-Learning, bài trình chiếu, video, hình ảnh, phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng và các học liệu điện tử khác để giáo viên và học sinh khai thác sử dụng.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc phát động cuộc thi Thiết kết bài giảng E-Learning, thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Riêng năm học 2018 – 2019, đã có 260 sản phẩm của giáo viên tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng E-Learning cấp tỉnh, trong đó, 127 sản phẩm đạt giải.

Hiện nay, hầu hết các trường đều có phòng máy tính kết nối internet và nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại như: Máy vi tính, đĩa CD, máy chiếu, phần mềm PowerPoint, hệ thống bảng tương tác… Từ đó, các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và khuyến khích giáo viên phát huy hiệu quả của các phương tiện công nghệ trong giảng dạy.

Nhiều năm qua, Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) luôn chú trọng ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Hiện nhà trường có 2 phòng máy với gần 100 máy tính có kết nối internet. Ở các phòng học đều được trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu cự ly gần, bảng tương tác thông minh, màn hình đa năng… Ngoài ra, nhà trường chủ động bổ sung máy tính xách tay cho cán bộ quản lý, các tổ chuyên môn, môn ngoại ngữ, trang bị máy in, photo phục vụ cho ra đề, in sao, in đề + bài tập + tài liệu, chấm thi...; khuyến khích giáo viên tự trang bị máy tính xách tay, đến nay, hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường đều có máy tính phục vụ công tác giảng dạy.

Nhà trường cũng cử giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng CNTT do các cấp, ngành tổ chức; đồng thời, phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch và quy định cụ thể các giờ học có ứng dụng CNTT; xây dựng kho dữ liệu về các bài giảng, các chuyên đề môn học, đề kiểm tra… trên hệ thống mạng để giáo viên tham khảo, nghiên cứu, sử dụng; phát động phong trào Thiết kế bài giảng E-Learning và tổ chức cuộc thi ứng dụng CNTT trong dạy học.

Trên thực tế, hơn 80% các giờ học của nhà trường được ứng dụng CNTT; việc ra đề, chấm trắc nghiệm đã được thực hiện bằng phần mềm trên máy tính… Nhờ đó, học sinh hứng thú hơn trong học tập, chất lượng giáo dục được nâng cao. Kết thúc năm học 2018 – 2019, nhà trường có 95% học sinh đạt học lực khá, giỏi; chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng trong top 3 các trường THPT toàn tỉnh...

Hiện nay, ở hầu hết các nhà trường, đội ngũ giáo viên đều tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Thầy giáo Trần Kim Tuyến, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lập Thạch (Lập Thạch) cho biết: "Phần mềm CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ chúng tôi trong việc thiết kế giáo án điện tử và giảng dạy trên lớp. Việc thiết kế bài giảng có ứng dụng CNTT giúp chúng tôi ngày càng thành thạo hơn về công nghệ, tư duy phát triển và sáng tạo hơn trong dạy học".

Về phía học sinh, việc ứng dụng CNTT trong các bài học giúp các em hứng thú và tích cực học tập hơn. Em Tô Thị Huệ, học sinh Trường THCS Phạm Công Bình (Yên Lạc) cho biết: "Nhờ ứng dụng CNTT, những bài giảng môn Ngữ văn truyền cảm, sinh động và tính hình ảnh cao hơn; những bài học môn Lịch sử sống động hơn với những ảnh tư liệu, video tư liệu…Vì thế, chúng em thích thú và tiếp thu bài học dễ hơn”.

Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy là một trong những hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ hội nhập. Với sự hỗ trợ của CNTT, công tác giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã giúp giáo viên và học sinh phát triển tư duy nhiều chiều, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo