Cuộc sống khó khăn, tập tục lạc hậu, người dân không có việc làm, khiến việc đến trường của nhiều trẻ em dân tộc miền núi huyện Quỳ Châu thật gian nan, trắc trở.
Điển hình là ở bản Thung Khạng, xã Châu Bình (Quỳ Châu - Nghệ An), nhiều học sinh vẫn phải đến trường trong sự thiếu thốn đủ thứ.
Về với bản “ba không” và việc vận động học sinh đi học
Theo chân Anh Nguyễn Văn Ái, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu, sau gần một tiếng đồng hồ “vượt núi, băng rừng”, chúng tôi cũng đến được bản Thung Khạng, xã Châu Bình. Ở bản “ba không” (không km đường nhựa, không điện thắp sáng, không có chợ) mới thấm thía hết cuộc sống vất vả, lam lũ của những người dân cũng như các em học sinh dân tộc ở đây.
Các thầy cô giáo phải đến từng nhà vận động học sinh đi học
Thiếu thốn về cơ sở vật chất đã đành, việc vận động con em của bản làng đi học cũng không đơn giản chút nào. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Lô Thị Tiến, giáo viên Trường Tiểu học Châu Bình 1 - là giáo viên cắm bản lâu nhất chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp khiến cho ý thức về việc học con chữ không được bà con ở đây quan tâm. Nhiều cháu đang học giữa chừng đã bỏ để theo cha mẹ vào rừng hái măng, nhiều học sinh vì cuộc sống quá khó khăn phải ở nhà trông em nên không chịu đi học. Tôi và cô giáo Hiệu trưởng Cao Thị Dung phải thường xuyên đi bộ vào từng gia đình để vận động từng học sinh đến trường. Bên cạnh đó, việc dạy học cho các cháu ở đây cũng rất vất vả do trình độ tiếp thu của các cháu còn nhiều hạn chế, nhiều cháu còn chưa biết tiếng Kinh”.
Thương lắm bữa cơm trưa của các cháu
Do địa hình phức tạp, trời nắng đường đi đã khó, mưa xuống thì phải đến nửa tháng trời nên người dân ở bản Thung Khạng sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Cũng chính vì thế mà mọi sinh hoạt của giáo viên đều phải tự cung, tự cấp.
Không cho ăn, học sinh bỏ học!
Tại điểm trường số 3 của Trường Tiểu học Châu Bình 1, có 150 học sinh là con em người đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Thung Khạng đang trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 theo học. Thung Khạng là một bản nghèo với 100% là người dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, họ xem việc cho con học chữ không bằng việc lên nương lên rẫy. Mặt khác, nương rẫy của đồng bào phần lớn đều ở trên đồi núi cách xa nhà nên người dân thường đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về; trong khi điều kiện kinh tế của các hộ gia đình cũng nhiều khó khăn, họ không có chi phí cũng như thời gian để đóng góp và chế biến những bữa ăn cho trẻ. Nhiều em vì gia đình quá khó khăn nên không đủ tiền mua gạo phải đến trường bằng một gói mì tôm chia làm 2 buổi ăn sáng và trưa. Chính vì thế, đây là gánh nặng cho nhà trường. Thấy học sinh quá khó khăn, nhiều giáo viên đã không cầm nổi nước mắt, họ không có cách gì khác, ngoài việc mỗi giáo viên trong trường góp mỗi tuần 50.000 đồng để cho học sinh ăn buổi trưa.
Cô giáo Mai Thị Quang, Phó Hiệu trưởng tâm sự: “Mỗi buổi sáng đưa con đi học, phụ huynh sẽ làm cơm trưa bỏ vào cặp lồng cho con mình mang theo đến trường. Mỗi khi học sinh đưa cặp lồng vào lớp học, cô giáo chủ nhiệm phải kiểm tra xem phụ huynh có đưa cơm đủ phần ăn của học sinh đó hay chưa, thức ăn trong buổi đó như thế nào để nhà trường còn biết mà nấu thêm cơm cho các cháu. Đặc biệt, nhiều cháu mang thức ăn có mùi ôi thiu, nhìn khẩu phần ăn mà các cô không khỏi giật mình vì một số phụ huynh không kịp nấu cơm nóng cho con mà mang cơm nguội từ hôm qua, một số cặp lồng chỉ có cơm trắng, nhiều cặp lồng của học sinh làm các cô phát khiếp như thịt ếch đang để nguyên con, thịt chuột mới sinh...”.
Giáo viên phát khiếp khi mở cặp lồng của học sinh thấy ếch đang còn nguyên con
Rời bản Thung Khạng, chúng tôi phải thốt lên rằng: Nghèo quá! Khổ quá! Không biết đến khi nào, bản này mới có được một điểm trường khang trang, kiên cố, có đường nhựa, có chợ và có điện? Không biết đến bao giờ, những phòng học tạm bợ như thế mới được xóa đi? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng và những tấm lòng hảo tâm, quan tâm đến đời sống và việc học của những trẻ em nghèo vùng cao miền sơn cước Quỳ Châu.
Nguyễn Xuân - Hải Yến