Bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục

Đắc Chuyên| 17/08/2015 07:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi biết chuyện cậu bé Phan Văn Sỹ (12 tuổi) bị bố quấn xích quanh cổ, trói ở gốc cây khiến em phải dứt đứt xích bỏ trốn trong tình trạng bị đói và hoảng loạn, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn vô cùng bức xúc và khẳng định, bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục.

Bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục

Nhiều người bức xúc trước hình ảnh cậu bé Phan Văn Sỹ bị bố quấn xích quanh cổ

Hình ảnh cậu bé Phan Văn Sỹ với dây xích quấn quanh cổ cùng chiếc khóa trong tình trạng bị đói và hoảng loạn, khiến nhiều người không khỏi bức xúc về cách dạy con của ông bố Phan Văn Đại (48 tuổi, trú xã Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An). Hình ảnh này đã khiến PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) thốt lên rằng, trẻ em vẫn bị đối xử tệ trong một xã hội được gọi là văn minh.

Theo như phân tích của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, trường hợp của cậu bé Sỹ cũng như rất nhiều trường hợp trẻ em bị chính bố mẹ mình bạo hành trước đó cho thấy, những ông bố, bà mẹ đang khai thác một cách quá đáng quyền làm cha, làm mẹ của mình. Việc dạy con bằng bạo lực không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây ra những tổn thương trước mắt cũng như những hậu quả khó lường trong tương lai về sự phát triển tâm, sinh lý, nhân cách của trẻ.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, sự trừng phạt con bằng đòn roi và xiềng xích đã tố cáo sự thiếu hiểu biết và kỹ năng dạy con của các bậc phụ huynh. Dạy con bằng đòn roi là sự nóng vội, bực tức không được kiểm soát. Điều đó khẳng định sự lúng túng trong việc tìm ra các biện pháp giáo dục, và sự tệ hại trong việc đầu tư phương pháp giáo dục con.

“Khi mắc lỗi, trẻ mong muốn được thương yêu và nhắc nhở thay vì hành hạ đến tổn thương. Các bậc phụ huynh đừng nghĩ đơn giản là đánh để con sợ. Chúng ta cần tôn trọng, dỗ dành và sát cánh với con thay vì đòn roi, xiềng xích”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, sau sự việc này, cậu bé Phan Văn Sỹ sẽ sống bất an trong chính ngôi nhà của mình. Bởi, theo ông ai sẽ đảm bảo trong tương lai cậu bé sẽ không phạm sai lầm và sẽ không chịu những hình phạt tương tự. Độ nặng của vết thương, sự cọ xát của xiềng xích là những điều mọi người có thể nhìn thấy ngay, nhưng độ sâu thương tổn trong tâm hồn và những nỗi sợ, sự lo lắng, căng thẳng của cậu bé trong tương lai thì không ai có thể cân, đo, đong, đếm được.

Trên thực tế là khi quá sợ và không thể chịu đựng được sự “giáo dục” bằng đòn roi và xiềng xích, cậu bé Phan Văn Sỹ đã tìm mọi cách để thoát thân. Em đã phản kháng, chấp nhận đói, khát, vạ vật trên đường chạy trốn chứ không chịu ở nhà để người bố tiếp tục hành hạ. Hành động chạy trốn đó thể hiện trẻ thực sự mong muốn thoát khỏi sự xúc phạm, đánh đập và cả sự ứng xử quá nhẫn tâm của người bố.

Mối quan hệ giữa hai bố con ông Đại sau sự việc này là điều PGS. TS Huỳnh Văn Sơn đặt biệt quan tâm. Ông cho rằng, sự sợ sệt, xa cách, lạnh lùng, và có cả sự đề phòng diễn ra một cách tự nhiên sẽ làm cho cậu bé Sỹ có thể tiếp tục bị hoảng loạn, trầm cảm hay căng thẳng thậm chí là sang chấn tâm lý.

Chính vì thế, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra lời khuyên, ông Đại cần phải thay đổi cách ứng xử với con của mình. Mối quan hệ giữa hai bố con sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào thái độ, cách hành xử của người cha.

“Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hay từ những chuyên gia tư vấn là rất cần thiết. Sự can thiệp này sẽ giúp cậu bé mau chóng lấy lại thăng bằng, trấn an tâm lý và chia sẻ cảm giác an toàn trong cuộc sống” PGS. TS Huỳnh Văn Sơn phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục