Việt Nam khống chế thành công tốc độ tăng dân số

Chí Tâm| 25/07/2019 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (Cai-rô, Ai Cập năm 1994) công tác dân số của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công, tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống dưới 1,2% (giai đoạn 1999-2009) và khoảng 1% (giai đoạn từ 2010 đến nay).

Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh từ 6,39 con (năm 1960) xuống 2,33 con (năm 1999), đạt mức sinh thay thế 2,09 con (năm 2006), sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Một số tỉnh có mức sinh thay thế giảm, có một số vùng “lõm” những năm qua hạ thấp xuống từ 1,2 đến 1,3 con/người phụ nữ.

Việt Nam khống chế thành công tốc độ tăng dân số

Việt Nam đạt mức sinh thay thế khi bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con từ năm 2016, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu. Ảnh minh họa

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm trong 10 năm qua.

Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường rất lớn, hấp dẫn đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiếp tục tăng sẽ thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật, cơ hội dịch chuyển lao động thông qua di cư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Chất lượng dân số ở nước ta hiện nay được cải thiện về nhiều mặt. Kết quả giảm sinh đã làm giảm đáng kể sức ép số lượng học sinh các cấp. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của Việt Nam đã tương đương các nước châu Âu .

Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm. Đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3 cm, đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tỷ lệ người bị khuyết tật vẫn cao, chiếm 7,08% dân số. Tình trạng tảo hôn (26,6%), kết hôn cận huyết thống (0,65%) còn khá phổ biến ở một số dân tộc thiểu số. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.

Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng dẫn tới mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền và đối tượng. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tăng và có dấu hiệu ngày càng lan rộng. Thời kỳ dân số vàng đan xen già hóa dân số với tốc độ rất nhanh dẫn đến tình trạng không tận dụng triệt để nguồn lao động vàng.

Ðể giải quyết những thách thức đó, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, công tác dân số cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam khống chế thành công tốc độ tăng dân số