Tình yêu, trách nhiệm và sự tử tế

Hà Thu| 25/03/2018 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày sau hỏa hoạn thương tâm ở chung cư Carina (TP HCM), người ta lại thấy người Sài Gòn chủ động gom, góp những gì có thể như thức ăn, nước uống, áo quần và thu xếp chỗ ở tạm thời cho cư dân ở đây.

Có câu nói rằng: “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai!”. Và ai đó cũng nói rằng qua gian nan mới biết chân tình. Trong vụ cháy chung cư ở TP HCM vừa qua, người ta lại thấy thêm một lần nữa, tình yêu, trách nhiệm và sự tử tế. Không chỉ là những người ở chung cư đối diện hay người dân xung quanh nơi xảy ra vụ hỏa hoạn gom góp mọi thứ để gửi cho gia đình các nạn nhân mà đã có sự hy sinh của những người tham gia vào công cuộc giải cứu người dân.

Một anh bảo vệ không quản ngại nguy hiểm, gõ cửa từng phòng, báo cháy cứu mọi người đến mức chính anh bị ngạt thở và không qua khỏi cơn nguy kịch. Những người đồng nghiệp của anh bảo vệ ấy đều tham gia giải cứu vụ cháy, họ bảo rằng lúc đó họ thà chết chứ không bỏ mọi người.

Rồi hơn 200 Cảnh sát PCCC đã lăn xả vào đám cháy để cứu hàng trăm người dân trong vụ cháy này. Trong đó có chiến sĩ cứu được 20 người. Nhiều người rưng rưng khi bức ảnh anh chiến sĩ PCCC bị bỏng nặng, bị tuột hết da tay, bàn tay gân guốc giờ đã cứng đơ, đau đớn với từng mảng da nhám đen bong tróc được lan truyền trên các mặt báo và mạng xã hội. Giữa đám đông, người chiến sĩ với bàn tay bị tuột hết da, khuôn mặt đau đớn nhìn mọi người đang thoát khỏi đám cháy. Lúc đó là 12h trưa, những tiếng hét thất thanh vang lên từ block B của chung cư Carina, Q.8. Khói bốc lên mù mịt, người dân hốt hoảng ôm con tháo chạy. Lại cháy ở tầng hầm B.

Tình yêu, trách nhiệm và sự tử tế

Hình ảnh người chiến sĩ PCCC tay bị bỏng nặng, vẫn ngoái nhìn về phía đám cháy gây xúc động mạnh

Từ hướng dưới hầm, anh chiến sĩ PCCC ôm bàn tay chạy lên, chân trần, người ướt sũng. Tay anh bỏng nặng, da gần như bị lột hoàn toàn. Nhưng anh ngồi đó, rên khe khẽ và đầu thì liên tục hướng về phía tầng hầm đang cháy. Báo chí, người dân và lực lượng cứu hộ lúc này đang tập trung về hướng tầng hầm để tác nghiệp và xử lý sự cố. Một người phụ nữ có mặt ở ngay chỗ chiến sĩ bị bỏng nặng, cho biết chị đã bảo anh đi cấp cứu nhưng anh lắc đầu, đứng lên đi qua đi lại, vẫy vẫy bàn tay bị bỏng nặng có lẽ để cho bớt đau nhưng mắt vẫn hướng về phía các đồng nghiệp mình đang xử lý vụ cháy. “Vừa chụp vội vài tấm ảnh, có cả tấm out nét, nhưng tôi vừa kêu to cầu cứu mọi người "Có ai chở anh ấy đi cấp cứu giùm với", mọi người lúc này mới quay lại nhìn. Khi ấy anh khều tay tôi nói nhỏ "chị ơi, chị giở áo hộ tôi xem lưng có bị gì không, sao tôi thấy rát quá". Tấm lưng anh đỏ rát loang lổ, cũng may mà có áo. Chiếc xe của một bác công an trờ tới, lúc này, phải sau gần 10 phút, anh mới được chở đi cấp cứu. Anh ấy chỉ ngồi đó, không kêu la, chỉ để mọi người tập trung xử lý đám cháy”.

Ở đây, câu chuyện này lại thêm một lần nữa gieo cho chúng ta hạt mầm về tình yêu và sự tử tế trong cuộc sống hiện đại, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà người ta vẫn quen với những con số và sự vô cảm đối với nỗi đau đồng loại. Tôi có người bạn, vốn phải bươn chải từ khi lên thành phố học đại học. Cô ấy chẳng có bố mẹ hay người nhà giúp đỡ các khoản chi phí lúc đi học như bạn bè cùng trang lứa. Mọi chi phí, cô ấy tự kiếm từ công việc gia sư và nhiều công việc làm thuê khác. Món nợ hồi đại học vẫn còn cho đến lúc đi làm. Thế nhưng, đằng sau con người nhỏ bé ấy lại là một người thủ lĩnh đáng nể của một tổ chức tình nguyện có tiếng ở Hà Nội. Cô ấy vẫn dành số tiền ít ỏi, cộng với sức lực của mình để đem sách vở, con chữ tới nhiều bản làng, nhiều vùng còn khó khăn. Có người thì cười bảo, thời nào rồi còn làm từ thiện, đã không có thì làm bằng cách nào và ai nuôi mình? Nhưng xin thưa, họ vẫn sống rất đàng hoàng và vẫn có thời gian để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình dù chả dư giả gì. Bởi ở đây là tình yêu, là trách nhiệm và sự tử tế trong mỗi con người.

Trở lại câu chuyện của những người chiến sĩ PCCC, đành rằng đó là công việc, là trách nhiệm của các anh, nhưng cứ nhìn cách họ cứu từng người, cách họ lăn xả, ai dám bảo rằng trong đó không phải là tình yêu, là sự tự tế. Ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh, ai dám đảm bảo rằng nếu không có tình yêu, sự tử tế liệu rằng những chiến sĩ ấy có chùn chân, làm lỡ nhịp cứu người hay không? Trách nhiệm công việc vẫn phải làm, nhưng ai trong chúng ta cũng sợ hãi khi đứng trước lằn ranh của cái sống và cái chết.

Tình yêu, trách nhiệm và sự tử tế

Bà mẹ 29 tuổi vẫn cố cho con bú trên xe cứu thương dù bị bỏng hô hấp trong vụ cháy chung cư vừa qua

Còn tình yêu? Hình ảnh bà mẹ trẻ bình tĩnh đưa hai đứa con nhỏ thoát khỏi ngọn lửa dữ, đồng thời hướng dẫn những người xung quanh cách để thoát khỏi đám cháy trong vụ hỏa hoạn vừa qua cũng là một sự tử tế, quan trọng hơn trên cả là tình yêu. Trong chiếc xe cứu thương, bà mẹ vừa được các bác sĩ cấp cứu vì bị bỏng hô hấp vừa cố cho con nhỏ 15 tháng tuổi bú làm nhiều người tin hơn vào sự tự tế và vào tình yêu giữa con người với nhau hơn.

Trong cuộc sống, nếu để ý thì hẳn bạn sẽ còn chứng kiến những sự tử tế, tình yêu và trách nhiệm như thế. Bởi đấy là gốc rễ của cuộc sống, nó vẫn lan tỏa và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu, trách nhiệm và sự tử tế