Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trọng án giết người với tính chất man rợ tại nhiều địa phương trong cả nước. Có những vụ án giết người với lý do “không đâu vào đâu” cho thấy đối tượng thực hiện hành vi giết người là bất thường.
Những vụ án giết nhiều người gây rúng động dư luận
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, căn nguyên của những hành vi tội ác là do lệnh lạc về nhận thức, hành vi và lối sống. Suy nghĩ và quan điểm sống sai lầm dẫn đến hành động sai lầm và vi phạm pháp luật. Vậy đâu là căn nguyên, làm sao để ngăn chặn tình trạng này?.
Vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong 2 ngày (16 và 17/5) tại huyện Mê Linh, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Từ một vụ va chạm giao thông, Đỗ Văn Bình (37 tuổi, trú tại xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã lên kế hoạch gây án khiến 3 người chết và 1 người bị thương.
Nghi phạm giết 3 người ở Vĩnh Phúc và Hà Nội
Đáng chú ý, sau khi gây ra những vụ giết người hàng loạt chỉ trong hai ngày, đối tượng Bình vẫn chưa dừng lại mà còn có ý định “xử” tiếp một người ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vì có mối thù với Bình từ 8 năm về trước thì bị Công an bắt giữ.
Vụ án “xác người giấu trong khối bê tông” xảy ra ở tỉnh Bình Dương với hai nạn nhân đều bị giấu xác khiến dư luận hết sức hoang mang.
Một điều bất ngờ về các nghi phạm trong vụ án này là cả 4 đối tượng bị giữ khẩn cấp vì có liên quan tới 2 xác chết đều là phụ nữ, sinh hoạt và hành tung bí ẩn có dấu hiệu hành nghề mê tín dị đoan, theo những đạo giáo mà không được pháp luật cho phép.
Một vụ án khác xảy ra vào đêm 24/9/2018 khiến cả làng quê rúng động khi đối tượng Nguyễn Văn Tiến (Phú Bình, Thái Nguyên) bất ngờ đột nhập vào nhà người hàng xóm dùng hung khí sát hại anh Nguyễn Văn Hoạt (42 tuổi), chị Trần Thị Hằng (vợ anh Hoạt) và bé Nguyễn Văn Hinh (13 tuổi, con trai anh Hoạt) và gây thương tích cho một số người khác.
Phát hiện vụ việc, người dân địa phương đã báo Công an truy bắt đưa người này về trụ sở công an. Còn các nạn nhân được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu.
Lệch lạc về hành vi, lối sống
Những vụ thảm án xảy ra thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước khiến nhiều người bất an, lo sợ. Phân tích dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp) nhận định, hành động ra tay sát hại nhiều người như vậy là hành động được tích lũy từ một quá trình suy nghĩ tiêu cực kéo dài dẫn đến nhận thức sai lầm và hành động vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân trực tiếp là do vấn đề nhận thức, ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Nhận thức, ý thức này được hình thành trong một quá trình lâu dài do sự tác động ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Cái nhận thức, ý thức đấy có thể biểu hiện ra bên ngoài thường xuyên bằng những hành động như sẵn sàng chửi bới, đánh đập người khác, cũng có thể tiềm ẩn trong những suy nghĩ và khi có cơ hội thì sẽ bùng phát, sát hại người khác một cách hết sức lạnh lùng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tính chất hành vi, hậu quả của những vụ giết người thời gian qua là đặc biệt nghiêm trọng. Để chỉ ra các nguyên nhân chính xác của hiện tượng này phải thực hiện một cuộc điều tra xã hội học, phải nghiên cứu một đề tài khoa học pháp lý mới có thể có một kết luận đúng đắn, chính xác, chỉ ra các giải pháp tích cực, hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng và chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người có tính chất man rợ.
Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi, đối tượng chủ mưu trong vụ giết người đổ bê tông giấu xác) và Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, mẹ Hà)
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, số vụ gây án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây cho thấy tính chất hoạt động của tội phạm đang trở nên rất nghiêm trọng.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, những vụ giết người man rợ xảy ra liên tiếp cùng thời điểm trước hết xuất phát bởi mâu thuẫn, xung đột xảy ra từ những va chạm hàng ngày trong sinh hoạt, công việc, làm ăn, quan hệ tình cảm. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tâm lý tội phạm học, Bộ Công an) thì cho rằng, căn cơ dẫn đến các vụ giết người man rợ bởi các đối tượng này đã chất chứa bên trong trạng thái tâm lý tiêu cực đến đỉnh điểm, đó là lòng thù hận hay đố kỵ, họ không có cách nào khác để giải tỏa trạng thái tâm lý này ngoài việc giết người.
Đấu tranh đẩy lùi cái ác
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa đối với tội giết người nói riêng, nhiều chuyên gia đánh giá căn nguyên của những hành vi tội ác đó là do thiếu đạo đức, không được trang bị đúng đắn về ý thức hướng thiện, lòng hiếu thảo và lòng nhân ái. Bởi vậy cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó giải pháp về giáo dục là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng và phổ biến rộng rãi các quy tắc văn hóa ứng xử cộng đồng, để mỗi người có thể vận dụng ứng xử khi gặp các tình huống xung đột, nhất là trong những lúc bị kích động.
Cần có hoạt động giáo dục khoa học, đúng đắn, nhân văn và hiện đại để từ thuở nhỏ con người đã nhận thức được những giá trị nhân văn, cốt lõi trong cuộc sống, trong đó cần biết tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân mình, ý thức tôn trọng, chia sẻ, yêu thương sẽ trở thành thói quen luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động thì mới ít xảy ra những trường hợp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Khi có ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc ứng xử trong cộng đồng thì mỗi con người sẽ đều biết giới hạn hành vi của mình trước những quy tắc chung trong xã hội, khi biết tôn trọng người khác thì sẽ biết kiềm chế hành động và cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra, việc giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng là điều hết sức cần thiết, quan trọng để hình thành nhân cách, lối sống chuẩn mực, biết tuân thủ pháp luật.
Với những con người, nhóm người có hành động lệch lạc, suy đồi, sa đọa hoặc có biểu hiện bệnh lý bất thường, khó kiểm soát hành vi của mình do bệnh tật hoặc do sử dụng chất kích thích thì cơ quan chức năng cần có những giải pháp để quản lý, khống chế, phòng ngừa những đối tượng này có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.