Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kiến nghị xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.
Những ngày qua, dư luận phản ánh và vô cùng bức xúc về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Long - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi nắm được vụ việc đã báo cáo ngay Tổng cục môi trường, đồng thời đến hiện trường kiểm tra.
Nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà chia làm hai màu rõ rệt sau sự cố ô nhiễm. Ảnh: Vietnam+
Về việc xử lý nguồn nước, trách nhiệm của Nhà máy nước sông Đà là phải kiểm tra đạt an toàn thì mới cấp cho khách hàng. Đối với các nguồn nước đầu vào, nếu chưa đảm bảo, nhà máy phải có phương án cụ thể mới có thể đưa nguồn nước vào sản xuất.
Hiện vẫn chưa xác định được loại dầu thải được đổ trộm xuống suối, cơ quan chức năng đã lấy toàn bộ mẫu và đang tiến hành xác định.
Do hồ Đầm Bài có diện tích rộng (69 ha), diện tích lưu vực lớn (16 km2) cùng nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ. UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Viwasupco cần khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ sông Đà và trạm bơm, để bơm trực tiếp nước thô từ sông Đà lên bể lắng sơ bộ đặt trong khu xử lý, và dẫn vào trạm xử lý để đảm bảo an toàn cấp nước cho nhà máy nước sông Đà, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm 2 bên lưu vực kênh dẫn dòng và lưu vực hồ Đầm Bài.
Đại diện chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều phương án bảo vệ, đã thực hiện cắm mốc quanh hồ. Trước mắt sẽ xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm. Về lâu dài, tỉnh sẽ quản lý, kiểm soát nước hồ bằng cách lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy. Bên cạnh đó, xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Nguyễn Văn Toàn, Hoà Bình chưa từng gặp sự cố tương tự. “Chúng tôi đã từng bước khắc phục, sự cố này là bài học và kinh nghiệm sâu sắc cho tỉnh và các sở, ban ngành trong việc khắc phục sự cố", ông Toàn nói.
Như tin đã đưa, vào ngày 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép. Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc. |