Do đâu mà kênh Youtube phản cảm vẫn có “đất diễn”?

Tuấn Lê| 08/10/2020 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu như những năm 2013 – 2014 là thời kỳ náo nhiệt nhất của “thị trường vlog” tại Việt Nam, thì nhiều năm trở lại đây, thị trường ấy vẫn đang được mở rộng, phát triển nhưng theo chiều hướng xấu đi.

Khái niệm vlog không còn là cụm từ xa lạ đối với đại đa số người xem. Vlog du nhập vào Việt Nam từ khoảng 10 năm trước. Trong thời kỳ đó, nếu nhắc đến vlog thì phải nhắc tới những gương mặt vàng như: Jvevermind, An Nguy, Huyme, Toàn Shinoda… Những sản phẩm vlog của họ mang đậm màu sắc cá nhân, nội dung phong phú với nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống được đề cập.

10 năm không ngừng vận động và phát triển, đến nay vlog vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ Việt. Những cái tên như: Vũ Khắc Tiệp, Quang Vinh, Khoa Pug (về du lịch), Ninh Tito, Dinology, Cô Em Trendy, Châu Bùi (về ẩm thực và lối sống), Giang ơi, Hana’s Lexis (về học Tiếng Anh),… đã và đang là cái tên tiêu biểu cho thị trường vlog tại Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, người xem vẫn đang phải tiếp nhận những vlog yếu kém, nhảm nhí về nội dung, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục. Còn nhớ, vào tháng 9/2020, cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ trước video “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết” của cái tên Hưng Vlog. Đây cũng không phải lần đầu tiên, Hưng Vlog bị cộng đồng mạng phản ứng về cảnh nấu nướng mất vệ sinh như vậy. Ngay sau đó, Hưng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Nhưng có vẻ “ngựa quen đường cũ” khi mới đây, dư luận tiếp tục xôn xao khi Hưng đăng tải clip phản cảm có tiêu đề “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”. Theo đó, vlog mới của Hưng đang cổ xúy cho người xem, đặc biệt là trẻ em việc ăn cắp, ăn trộm.

Do đâu mà kênh Youtube phản cảm vẫn có “đất diễn”?

Vlog mới nhất của Nguyễn Văn Hưng gây phẫn nộ trong nhiều ngày qua

Hay như vlogger sinh năm 1994 Nguyễn Thành Nam – chủ của kênh NTN Vlog đã từng bị triệu tập vì làm clip đóng giả nhóm khủng bố IS quăng bom hồi năm 2016. Đã bị xử phạt nhưng ngay sau đó, Nguyễn Thành Nam tiếp tục làm các video nguy hiểm khác như “Thả 100 con dao từ trên cao xuống”, “Thử thách trèo lên cột điện 100m”, … bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội vì không đem lại giá trị nhân văn, giáo dục mà còn nguy hiểm.

Dù đã bị Youtube cảnh cáo bằng việc tắt kiếm tiền nhiều lần nhưng Nguyễn Thành Nam vẫn kháng cáo thành công. Và cứ mỗi lần như vậy, anh lại cho ra đời những vlog nhảm nhí, bất chấp mọi thứ để câu view dù người xem vẫn phản đối gay gắt. Nhưng có một nghịch lý trớ trêu, nhờ những clip phản cảm như vậy mà NTN Vlogs hiện đang có 9,04 triệu subscribes, và chưa có dấu hiệu dừng lại ở đó. 

Do đâu mà kênh Youtube phản cảm vẫn có “đất diễn”?

Video “Thả 100 con dao từ trên cao xuống” của NTN Vlog bị phản ứng dữ dội ngay khi ra mắt.

Sự đón nhận nồng nhiệt của một bộ phận cộng đồng mạng đã vô tình “tiếp tay” cho việc ra đời liên tục của các vlog nhảm nhí, tục tĩu. Theo thống kê, mỗi vlog đăng tải trên Youtube, dù phản cảm đến đâu đều thu hút hơn 3 triệu lượt xem (thậm chí là nhiều hơn gấp 3-4 lần như vậy). Sự hiếu kỳ, tính tò mò của cư dân mạng đã vô tình giúp các vlog “bẩn” ấy có tuổi thọ dài hơn, thu về nguồn thu "khủng", giúp các bạn trẻ kiếm tiền dễ dàng mà không cần đầu tư nhiều công sức.

Ngoài ra, để bật kiếm tiền trên Youtube, ngày nay người dùng chỉ cần 1000 subscibes và tổng hơn 4000 giờ xem video trong 12 tháng trước. Sự dễ dãi này vô tình khiến cho các vlogger làm đủ mọi cách để kiếm tiền, bắt chước những trò nguy hiểm, hay sản xuất những video nhảm nhí, tục tĩu thay vì đầu tư công sức làm các video chất lượng.

Với khoảng 50 triệu nhà sáng tạo nội dung cứ mỗi phút lại đăng lên một khối lượng video dài hơn 500 giờ, Youtube đã tạo ra kho nội dung hơn 5 tỷ video, nhờ đó thu hút được 2 tỷ người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, số lượng nhân viên Youtube chỉ khoảng gần 5.000 người trên tổng số 20.000 nhân viên của công ty mẹ Google.

Con số này khiến cho Youtube phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm duyệt của trí tuệ nhân tạo AI. Tuy thế, AI chỉ làm việc hiệu quả đối với những nội dung cực kỳ độc hại (như bạo lực, máu me, súng đạn, sex,…) hoặc nội dung vi phạm bản quyền. Với những video được cắt ghép, lồng một phần nhạc hoặc nội dung đặc biệt nhạy cảm (đối với thuần phong mỹ tục của từng quốc gia), trí tuệ nhân tạo AI gần như bó tay. Đó cũng là lúc Youtube phải sử dụng đến đội ngũ kiểm duyệt chạy bằng trí tuệ con người.

Tuy nhiên, trên thực tế là chỉ đến khi vướng vào những lùm xùm và bị dọa tẩy chay hồi năm 2017 với hàng loạt video xấu độc liên quan đến trẻ em, Youtube mới sử dụng người thật để kiểm duyệt. Đại diện của một công ty công nghệ lớn trong nước cho hay, Youtube vẫn để lọt dễ dàng 30-40% các video có nội dụng độc hại hàng tháng tại thị trường Việt Nam. 

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Tâm lý học Bùi Thị Hồng Thái cho rằng, đây có thể được coi là mối nguy hại mới của con người trong thời kỳ công nghệ bùng nổ như hiện nay. Khi tiếp cận công nghệ quá dễ dàng, các video phản cảm được đăng tải hay chia sẻ một cách tràn lan, chúng sẽ góp phần làm lệch lạc đi suy nghĩ, nhận thức cũng như lối sống của mỗi chúng ta. Khi thường xuyên tiếp cận với cái ác, với cái bạo lực thì tính nhân văn, phần thiện trong con người cũng sẽ dần mất đi.

Cũng theo bà Thái, đối với trẻ em, các vlog như vậy còn gây nguy hại hơn gấp nhiều lần so với người lớn. Sau một thời gian tiếp cận với các video nhảm nhí, tục tĩu, trẻ sẽ có nguy cơ bị rối loạn về hành vi, nhân cách. Đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi đây đang là độ tuổi phát triển và định hình về nhân cách của trẻ. Dưới tác động của các video độc hại ấy, trẻ có thể bắt chước, làm theo, mang những điều nguy hiểm đó ra ngoài cuộc sống, thực hiện với người thân, người xung quanh. Các con trẻ cũng không còn thấy được sự non nớt, trong sáng cần có.

Khi thế giới công nghệ đang chi phối phần lớn cuộc sống của con người, việc kiếm tiền trên mạng xã hội ảo đang diễn ra khá dễ dàng. Chính điều đó đã gây ra vấn nạn kém chất lượng về nội dung, phản cảm về hình thức của một bộ phận vlogger tại Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn làn video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những chế tài quản lí và xử phạt thật nghiêm minh, có tính răn đe cao nhằm loại bỏ những hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Do đâu mà kênh Youtube phản cảm vẫn có “đất diễn”?