Cuộc chiến chống buôn người trên cao nguyên đá

Nam Hoàng| 16/10/2018 06:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế.

Tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Qua công tác điều tra, phá án của các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang trong thời gian gần đây cho thấy, đối tượng chính của bọn tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em thường những người có hoàn cảnh khó khăn, có mâu thuẫn trong gia đình, vợ, chồng ăn chơi đua đòi, có nhu cầu cần việc làm, kiếm được nhiều tiền để ăn tiêu, hưởng thụ cuộc sống sung sướng... Bên cạnh đó, chúng thường chủ động tìm hiểu lai lịch, hoàn cảnh kinh tế gia đình và các điểm mâu thuẫn trong nội bộ gia đình rồi tìm cách tiếp cận, làm quen bằng cách tán tỉnh yêu đương, mua sắm điện thoại, quần áo đẹp, nạp tiền điện thoại cho các nạn nhân để lấy lòng tin.

Khi các nạn nhân đã tin tưởng thì các đối tượng tìm mọi cách rủ các nạn nhân đi chơi, hoặc rủ đi Trung Quốc lao động với lời hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống. Sau đó các đối tượng liên hệ câu kết với các đối tượng ở nước ngoài hoặc người thân quen ở nước ngoài, rồi thống nhất địa điểm đưa các nạn nhân vượt biên trái phép để bán.

Đối với các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những học sinh lười học, đua đòi chơi bời hay bỏ học, các đối tượng thường dùng thủ đoạn tìm cách làm quen thông qua bạn bè của các em hoặc qua các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Zalo. Sau đó, chúng cố gắng thể hiện mình là người giàu sang, phong độ, thậm chí còn là người cán bộ làm cho các cơ quan nhà nước hoặc là người có quan hệ rộng, quen biết nhiều người trong giới làm ăn, để tán tỉnh các em học sinh làm cho các em mê muội sau đó đi theo.

Vì Thị N ở thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh là một trong số những nạn nhân đã sập bẫy của bọn buôn người bằng phương thức như thế. Qua mạng xã hội Facebook, N quen với Sùng Mí Súng, SN 1990, ở thôn Vần Chải A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Mỗi lần gặp gỡ N, Súng đều quan tâm hỏi thăm, tỏ sự đồng cảm với cuộc sống vất vả của cô và tiêu tiền rất phóng khoáng. Trước sự ân cần và chiều chuộng của Súng, N tin tưởng tuyệt đối vào “bạn trai” của mình thế nên khi Súng ngỏ lời rủ đi chơi chợ tình Khâu Vai, cô đồng ý.

Cuộc chiến chống buôn người trên cao nguyên đá

Đối tượng Ly tại cơ quan Công an

Để tạo lòng tin, Súng rủ thêm em họ tên Sùng Mí Lừ đi cùng. Sau khi lang thang khắp chợ tình, Súng tiếp tục rủ N sang xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn để lấy tiền. Súng hứa là khi lấy được tiền sẽ cho N 5 triệu đồng. Tin tưởng vào lòng tốt của người bạn trai mới quen, N đi theo Súng mà không hề biết rằng mình đã rơi vào bẫy của bọn buôn người. Khi sang đến khu vực biên giới xã Lũng Cú, cả 3 chờ khoảng 30 phút thì có 2 người đàn ông Trung Quốc tới đón đi. 5 người đi tiếp sang Trung Quốc vào một ngôi nhà 3 tầng. Tại đây, Súng bán N cho một người đàn ông tên là Phìn để lấy 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng). Sau đó, Súng cùng Lừ quay về Việt Nam, bỏ mặc N khóc lóc, van xin...

Thông thường thì sau khi làm quen và chiếm được niềm tin và cảm tình của các nạn nhân, các đối tượng sẽ cố gắng rủ rê “con mồi” đi chơi, đi tham quan du lịch hoặc đi chợ phiên ở khu vực biên giới. Khi các em lơ là, mất cảnh giác thì cũng là lúc cái bẫy của bọn “săn đầu người” sập xuống. Thậm chí có những đối tượng trong lúc túng quẫn, nhưng không lừa được ai đành đem bán luôn cả người yêu của mình để lấy tiền. Như trường hợp Mai Minh Lâm, sinh năm 1989, dân tộc Nùng ở thôn Na Lình, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Trước đó, Lâm có quen biết với Vàng Tải Dùng, SN 1989, dân tộc Nùng ở thôn Phố Là B, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Dùng bảo Lâm về bản tìm người để đưa sang Trung Quốc làm thuê và hứa sẽ trả cho Lâm tiền công môi giới. Sau nhiều lần gặp gỡ và trao đổi qua điện thoại, do chưa tìm được người nào, Lâm liền quyết định lừa bán người yêu của mình là Sân Thị G (sinh 1994, dân tộc Nùng ở thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ) cho Dùng để lấy 3.800 nhân dân tệ. Sau đó G bị Dùng đưa sang Trung Quốc và bán cho một người đàn ông với giá 4.500 nhân dân tệ.

Cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp

Đặc biệt trong mấy năm gần đây, trên địa bàn của tỉnh Hà Giang đã xuất hiện tình trạng buôn bán đàn ông. Phần lớn nạn nhân là những trai tráng tràn trề sinh lực, nhằm cung cấp cho các xí nghiệp, công xưởng, đồn điền phía bên kia biên giới. Có những người khi bị bán vào sâu lục địa Trung Quốc vẫn không hề hay biết, mà cứ nghĩ là được đưa sang làm thuê với mức lương hậu hĩnh. Thậm chí, có trường hợp, trốn về nhà được, vì sĩ diện không lên chính quyền tố giác kẻ lừa mình, càng khiến cho loại hình tội phạm mới này hoạt động mạnh hơn.

Thậm chí có những kẻ núp dưới chiêu bài hợp tác lao động đã lừa và đưa hàng chục người xuất cảnh trái phép sang nước bạn. Như trường hợp Đặng Văn Thái (31 tuổi, ở thôn Trung, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang). Theo tài liệu của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm bị bắt, Thái đã cùng một số đối tượng khác tổ chức đưa 16 người đi Trung Quốc lao động làm thuê trái phép. Khi đưa được mỗi một lao động sang phía bên kia biên giới, Thái thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng. Số tiền đó sẽ được những kẻ mua trừ dần vào số tiền công của người lao động...

Cuộc chiến chống buôn người trên cao nguyên đá

Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng

Điều đáng lo ngại là tình trạng xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại Trung Quốc không phải là cá biệt mà đang trở thành một vấn đề “nóng” đối với các cấp chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang. Thậm chí có những thời điểm, chỉ riêng trong vòng một năm, tổng số lao động sang nước bạn làm thuê là trên 1 vạn lượt người. Trong đó có đến 94% là đi theo đường mòn biên giới, không đăng kí xuất nhập cảnh theo quy định. Công việc mà những người lao động nơi đây nhận làm chủ yếu là lao động phổ thông như vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng…

Đứng trước tình trạng đó, mấy năm gần đây, các ban ngành từ trung ương đến địa phương cùng với các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã khẩn trương, rốt ráo vào cuộc. Với mục tiêu giảm nguy cơ và tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, ngày 31 tháng 12/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2546 Phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 – 2018) tại 6 tỉnh, trong đó có Hà Giang.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 – 2018), tình hình mua bán người, chiếm đoạt trẻ em trên địa bàn Hà Giang đã giảm qua từng năm. Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 – 2018) của tỉnh Hà Giang, trong 2 năm, toàn tỉnh phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi, nghi có hành vi mua bán người với 54 nạn nhân bị mua bán, so với 2 năm trước giảm 13 vụ, 33 đối tượng và 16 nạn nhân. Các cơ quan chức năng đã thụ lý điều tra 24 vụ/35 bị can. Phối hợp trao trả và giải cứu được 1.552 trường hợp. Tổ chức 126 cuộc giao ban, hội đàm, trao đổi 720 hàm thư với lực lượng chức năng Trung Quốc, trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người…

Mới đây nhất, vào ngày 11/10/2018 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối tượng Cháng Mí Ly (SN 1992) trú tại xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang) về tội buôn bán người.

Được biết, khoảng tháng 2/2018, Cháng Mí Ly quen một người bên phía Trung Quốc, người này đặt vấn đề tìm phụ nữ Việt Nam sang làm vợ cho người thân. Thấy lợi nhuận béo bở, Ly đã dụ dỗ chị Sùng Thị P (27 tuổi), trú tại thôn Khâu Mèng, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đi Trung Quốc để làm thuê.

Thực chất, tên này đã bán chị P cho một người đàn ông trú sống tại huyện Phù Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để lấy làm vợ. Qua đó, Ly được người này trả cho 3000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng). Đến tháng 9/2018, chị P đã được giải cứu, trao trả về Việt Nam. Sau đó, nạn nhân đã tố cáo hành vi của Ly đến cơ quan Công an. Hiện tại, vụ việc vẫn đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang điều tra, làm rõ.

Song song với công tác đấu tranh, tấn công tội phạm, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào ở những xã biên giới, trình độ dân trí còn thấp, mật độ dân cư thưa thớt, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân, như: dạy nghề, hỗ trợ về vốn, tạo công ăn việc làm ổn định..., cũng được các cơ quan đoàn thể ở đây đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, vấn nạn buôn bán người qua biên giới tại Hà Giang đã giảm đi một cách đáng kể, các bản làng cũng đã bình yên hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống buôn người trên cao nguyên đá