Cần quy định nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi

Hương Lan| 22/05/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những nội dung quan trọng dự kiến sẽ có trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là quy định nâng độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi thay cho Luật hiện hành quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi.

Nhiều ý kiến đồng thuận

Về vấn đề này, hiện tại có hai quan điểm: Nhóm đồng thuận với việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi, cho rằng việc nâng độ tuổi như vậy là phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990. Mặt khác, việc nâng độ tuổi như vậy thì đối tượng được hưởng lợi chính là trẻ em do các chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.

Nhóm quan điểm không ủng hộ việc tăng độ tuổi như Dự thảo Luật thì đưa ra các lí do: Thực tế quy định và áp dụng độ tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) như hiện nay chưa phát sinh bất cập hay hạn chế nào nên việc đề xuất thay đổi là không cần thiết. Quy định về độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có độ vênh, quy định độ tuổi khác nhau dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó.  Như vậy nếu sửa đổi thì cần phải thay đổi những quy định kể trên để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định. Mà việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật mới ban hành (chưa kể đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn) rất tốn kém cả về thời gian, công sức và tài chính. Ngoài ra, việc nâng độ tuổi trẻ em lên còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách.    

Cần quy định nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi  

Quy định nâng độ tuổi lên dưới 18 sẽ giúp trẻ em được hưởng lợi nhiều hơn 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần thứ 2 này dự định sẽ đưa ra trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 cuối năm nay. Trong nhiều nội dung thì có một nội dung cơ quan soạn thảo đang gửi sang bên Ủy ban để thẩm tra, đó là nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18. Qua một số cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, Ủy ban nhận thấy rằng cần thiết phải nâng độ tuổi này. Bởi vì khi chúng ta nghiên cứu kỹ Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tại điều 1 của Công ước nói rất rõ, tuổi của trẻ em được quy định trong Công ước là dưới 18 tuổi, trừ những nước quy định tuổi chưa thành niên thấp hơn. Việt Nam không quy định tuổi vị thành niên thấp hơn 18. Do đó, sau quá trình xem xét, cân đối, kể cả tác động ngân sách, của hệ thống pháp luật xem xét việc nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 có phù hợp hay không. Về cơ bản, các chuyên gia dưới góc nhìn nhiều chiều đều nhận thấy việc nâng là hợp lý và quyền lợi cho trẻ tốt hơn, phù hợp với công ước.

 Về ý kiến lo ngại, việc nâng độ tuổi trẻ em sẽ làm thay đổi nhiều bộ luật liên quan khác, đặc biệt sẽ làm tăng người trẻ phạm tội, bà Ngô Thị Minh cho rằng,  hệ thống luật pháp của Việt Nam là phù hợp. Luật có quy định độ tuổi người chưa thành niên, không phải cứ nâng tuổi trẻ em dưới 18 thì mọi thứ quy định đều theo trẻ em dưới 18. Ví dụ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em, trong Công ước nói rất rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em tối thiểu là 12 tuổi. Việt Nam quy định là 14 vẫn không trái với Công ước. Nếu nâng tuổi trẻ em lên 18 thì thống kê số trẻ phạm tội sẽ nhiều hơn nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận điều đó vì trẻ em có quyền được bảo vệ. Trẻ em vi phạm pháp luật cũng là 1 trong 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để ngăn chặn việc trẻ em vi phạm pháp luật thì chúng ta phải coi trọng giáo dục ngay từ đầu. Không chỉ giáo dục trong nhà trường mà phải giáo dục ngoài nhà trường, tại gia đình.

Xây dựng chính sách tư pháp chưa thành niên phù hợp

Ths. Nguyễn Linh Giang – Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người của Viện Nhà nước – Pháp luật cho rằng, việc đưa ra quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi thay vì quy định dưới 16 tuổi như luật hiện hành sẽ là một cơ sở quan trọng để các em được hưởng sự chăm sóc, giáo dục, được kéo dài “giai đoạn chuẩn bị” trước khi bước vào cuộc sống độc lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Quy định này cũng đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Điều này cho thấy những quyền lợi của trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước.

Theo Ths. Nguyễn Linh Giang, không phải cứ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp, tăng nặng các hình phạt thì tỉ lệ trẻ em gây ra các vụ án nghiêm trọng sẽ giảm. Cần phải giải quyết bằng cách phòng ngừa và xử lý các vấn đề gây ra tình trạng phạm tội ở trẻ em như hỗ trợ các gia đình có nguy cơ cao, tăng cường vai trò của nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục về nhân cách, đạo đức, xây dựng lòng tin, sự tôn trọng của người lớn đối với trẻ em…

Xu thế hiện nay của thế giới không chỉ là tăng độ tuổi của trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn là giảm hình sự hóa các hành vi của trẻ em. Công ước Quyền trẻ em luôn yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng và thực thi các chính sách tư pháp chưa thành niên toàn diện để ngăn ngừa và giải quyết việc phạm tội của trẻ em trên cơ sở phù hợp với quy định của Công ước. Công ước khuyến khích áp dụng các biện pháp thay thế để xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không sử dụng đến quá trình tố tụng hình sự. Như vậy, về mặt chính sách pháp luật, chúng ta cần phải nghiên cứu xây dựng một chính sách tư pháp chưa thành niên nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước về Quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và quan niệm đạo đức của Việt Nam.

Đồng thời, hiện nay, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, các nội dung liên quan đến tư pháp người chưa thành niên cần được xem xét cẩn trọng và cân nhắc tối đa đến quyền lợi của các em trong từng quy định. Việc bắt, giam giữ hay phạt tù đối với người chưa thành niên cần phải được nhìn nhận như là một biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng trong thời hạn thích hợp, ngắn nhất để đảm bảo tính nhân đạo, giáo dục phù hợp, hướng đến việc giúp các em hòa nhập cộng đồng sau giai đoạn thụ án.

Một điểm nữa cần lưu ý hiện nay là Luật Tổ chức Tòa án 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2015. Luật này đã quy định Tòa Gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên trong tất cả các lĩnh vực. Để mô hình này hoạt động một cách hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực. Đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm, cán bộ điều tra, kiểm sát viên cần phải được đào tạo về quyền của trẻ em, các kiến thức về tâm sinh lý của đối tượng này để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. Đồng thời, hệ thống buồng giam, nhà tù dành cho người chưa thành niên cũng cần được tách ra độc lập, bảo đảm phù hợp với mục đích giáo dục và cải tạo trẻ em.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi